1. - Trách nhiệm của ĐBQH là phải tìm hiểu kỹ về người mình bỏ phiếu tín nhiệm. Đánh giá bằng cảm tính vô hình trung sẽ biến việc lấy phiếu thành vô tác dụng.

Theo ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách QH Lê Thanh Vân, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo ra không khí sinh hoạt dân chủ trong QH và giúp củng cố niềm tin của nhân dân. Đây chính là vấn đề gốc rễ, tạo nên sự đồng thuận giữa nhân dân với nhà nước - yếu tố cốt tử để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chưa có chương trình hành động

Việc bỏ phiếu tiến hành cùng lúc trong thời gian ngắn với nhiều chức danh quan trọng, theo ông cách làm nên như thế nào để đi vào thực chất?

- Về vấn đề này, đề án của QH cũng đã nêu rõ cách thức, phương pháp triển khai. Tôi cho rằng nên trải nghiệm thông qua vài kỳ họp, rồi sau đó mới đặt vấn đề cải tiến để rút gọn, sao cho thực chất, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, không nên cắt khúc một cách biệt lập từng khâu của công tác cán bộ bằng việc chỉ lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, mà cần đặt nó trong chuỗi đánh giá chung về cán bộ. Muốn vậy, ngay từ bây giờ cần tính đến một quy trình có tính hệ thống, bảo đảm sự đánh giá có căn cứ, toàn diện, khách quan.

{keywords}
ĐBQH Lê Thanh Vân: Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nghe được nhiều lời phàn nàn... Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng. Ảnh: Minh Thăng

Theo tôi, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, trước khi QH bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của bộ máy nhà nước, thì từng người được đề cử vào danh sách phải trình bày chương trình hành động.

Chương trình ấy phải đưa ra được tầm nhìn chiến lược hệ thống các vấn đề đặt ra cần giải quyết và sắp đặt lộ trình giải quyết từng vấn đề nổi cộm theo thẩm quyền, nếu được QH tín nhiệm.

Vừa qua, các vị trí trụ cột gần như không có chương trình hành động. Trong khi đó, để lấy phiếu tín nhiệm thì có một phần việc quan trọng là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Vậy dựa vào đâu mà đánh giá?

- ĐBQH không thể giản đơn là đối chiếu theo quy định của pháp luật về nhiệm vụ, chức trách của từng vị lãnh đạo để rồi dựa vào đó kiểm điểm theo.

Chúng tôi chỉ có thể đánh giá kết quả điều hành chính sách thông qua phát ngôn và hành động của từng vị có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân. Thước đo ấy chính là việc xem xét các vấn đề bức xúc trong cuộc sống đã được giải quyết hay cải thiện gì chưa? Các chính sách ban hành bắt nguồn từ ý chí, tâm tư, nguyện vọng của ai? Mang lại ích lợi gì cho nhân dân, cho đất nước hay không?...

Như vậy, lần đánh giá này, các ĐBQH sẽ kiểm điểm lại từng vị trong 49 chức danh theo các tiêu chí nói trên chứ chưa thể dựa vào chương trình hành động?

- Đúng là như vậy. Từ nhiệm kỳ sau, hay từ ngay giữa nhiệm kỳ này, nếu ai đó được bầu bổ sung thì buộc phải có chương trình hành động để ĐBQH căn cứ vào đó mà so sánh, đối chiếu.

Sẽ có những người lý giải là lĩnh vực của họ đòi hỏi thời gian lâu dài mới gỡ được, vì khó khăn đã tích lũy từ nhiều năm.

Nhưng theo tôi, nếu anh đã lên được chương trình hành động thì phải có kế hoạch, có lộ trình tháo gỡ khó khăn từng phần và từng phần ấy có độ liên kết, tương tác như thế nào trong việc giải quyết dứt điểm những vấn đề lâu dài. Như vậy, anh sẽ phải chọn việc nào làm trước, việc nào sau.

Trong các luật về tổ chức và hoạt động của QH cũng quy định người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm trước QH phải báo cáo công tác định kỳ tại kỳ họp cuối năm. Lâu nay ta chỉ yêu cầu gửi báo cáo công tác chứ không tiến hành xem xét, thảo luận hay chất vấn ở các phiên họp công khai. Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, tôi đã đề nghị khôi phục việc này. Đây cũng là cách để cảnh báo về mức độ tín nhiệm và giúp các vị lãnh đạo tự điều chỉnh trước thời điểm QH tiến hành lấy phiếu.

Không 'ngả nghiêng'

Về trách nhiệm của các ĐBQH, mỗi người đều sẽ được cung cấp thông tin chính thức, nhưng ngoài việc nhận báo cáo liệu ông có chủ động đi tìm hiểu thêm thông tin về những người mình sẽ bỏ phiếu hay không?

- Trách nhiệm của ĐBQH là phải tìm hiểu kỹ và có đầy đủ thông tin. Muốn như vậy thì anh phải quan tâm tìm hiểu, phân tích các thông tin gốc. Từ đó mới nắm bắt được nguyên nhân khách quan, chủ quan, bắt mạch được vấn đề nào đã rõ ràng, minh bạch để quy kết trách nhiệm cá nhân và phải đúng với phạm vi chức trách của từng vị.

Có như vậy mới khiến người được đánh giá tín nhiệm thấy tâm phục khẩu phục. Đánh giá bằng cảm tính vô hình trung sẽ biến việc lấy phiếu tín nhiệm thành vô nghĩa. Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nghe được nhiều lời phàn nàn, chỉ trích về cách điều hành chính sách của các vị bộ trưởng, trưởng ngành. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng.

Còn với những thông tin dưới dạng tin đồn thì các ĐBQH và cá nhân ông sẽ ứng xử thế nào? Liệu có nên theo đuổi để kiểm chứng hay sẽ tặc lưỡi cho qua vì cho rằng đó là thông tin thất thiệt?

- Xã hội nào cũng có thông tin chính thống và thông tin không chính thống. Vấn đề là cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin đến đâu để giúp người dân có đủ độ tin cậy. Đừng đóng chặt cửa tin, để dân chúng không còn đường, mà quay ra khai thác những tin tức thất thiệt.

Vậy, với tin đồn thì sao? ĐBQH phải có bản lĩnh để nhận diện tính logic của thông tin, điều nghiên cho kỹ lưỡng, rồi từ đó xác định độ tin cậy của nguồn tin. Muốn vậy, anh phải bám sát thông tin gốc, thông tin khởi nguồn theo mạch đi của chính sách điều hành để phân tích được mức độ đúng - sai của thông tin chứ không phải ngả nghiêng, hùa theo hay thậm chí cho qua.

Như vậy là thiếu trách nhiệm. Hơn nữa, để kiểm chứng thông tin, ĐBQH còn có quyền yêu cầu chính bộ trưởng hoặc cơ quan chức năng có liên quan phải cung cấp thông tin chính xác.

Lê Nhung

Bài 4: Không dễ cám dỗ đại biểu