- Sáng 13/5, sau hơn nửa ngày làm việc, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM về chuyên đề “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025” đã kết thúc.

Các đại biểu HĐND TP đã trao đổi và thông qua tờ trình dự án quy hoạch của UBND TP.

Theo tờ trình, mục tiêu TP.HCM đặt ra là xây dựng TP văn minh, hiện đại, trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước…

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 10-10,5%/năm, 2016-2020 đạt 9,5-10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9%/năm.

UBND TP cũng đề ra chỉ tiêu GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 là 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020: 8.430 - 8.822 USD, đến năm 2025 đạt 13.340 - 14.285 USD. Đặc biệt phấn đấu GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

{keywords}
Để tiếp tục duy trì vị trí “đầu tàu” về kinh tế, TP.HCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao


Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu đồng tình với tờ trình mà UBND TP đưa ra. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần làm rõ một số nội dung về tăng trưởng và công tác giám sát quy hoạch, cấp thoát nước, tham vấn ý kiến…

ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt từ 10-10,5% mà TP đưa ra là điều cực kỳ khó. “Trong hai năm vừa qua GDP của TP chỉ đạt 9,7%-10%. Nếu TP đặt mục tiêu là trong năm 2014 và 2015 phải đạt 13,5% thì con số này rất khó thực hiện được”.

Do đó ông Quân đề nghị TP cần cân nhắc hơn nữa vì điều này quyết định tổng mức đầu tư của TP cho tương lai. Còn nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng này thì cần có những biện pháp triển khai mang tính cẩn trọng và có phương án dự phòng khi không đạt mức độ tăng trưởng.

Đồng quan điểm, nhưng ở một góc nhìn khác, ĐB Từ Minh Thiện cho rằng “phải tăng trưởng xanh”. Nghĩa là TP phải làm sao cho cuộc sống người dân ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải “giàu” hơn.

Không đồng tình với cách tham vấn ý kiến trong việc xây dựng đồ án quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, ĐB Trần Trọng Dũng nhấn mạnh, tham vấn cộng đồng mà chỉ lấy ý kiến các sở, ngành là chưa đầy đủ.

“Trong quá trình xây dựng đồ án này đã lấy ý kiến của các ban HĐND chưa? Tôi là thành viên ban Pháp chế nhưng chưa nhận được lời mời nào từ việc tham vấn này. Quy hoạch liên quan tới nhiều người dân nhưng người đại diện của dân lại chưa được lấy ý kiến”, ông Dũng bức xúc.

Ngoài ra, nhiều ĐB cũng bức xúc về vấn đề nước sạch cho người dân cả ở nội thành và ngoại thành. Tỷ lệ thất thoát nước sạch là quá lớn, tới 40% là không thể chấp nhận được. Do đó thay vì tập trung phát triển các nguồn cấp nước, cần tập trung vào đề án chống thất thoát nước. Đến năm 2015 giảm thất thoát còn 32% là quá ít…

Tiếp thu các ý kiến của ĐB, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng nhìn nhận: “Công tác quy hoạch còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém”. Cụ thể như tầm nhìn và tính dự báo chưa cao, công tác quản lý theo dõi thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập. Đặc biệt là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ban hành từ năm 1997 chậm được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển của TP.

Phát biểu kết luận tại kỳ họp, chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: “TP cần coi trọng việc công khai quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách hiệu quả nhất”.

Quý Lâm