- Hiện tượng phải đưa tiền "lót tay" để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như phổ biến trên phạm vi toàn quốc - theo kết quả khảo sát PAPI 2012.
Đến hẹn lại lên, kết quả khảo sát thường niên PAPI 2012 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ của LHQ được công bố sáng nay 14/5 tại Hà Nội. Gần 14.000 người đã được phỏng vấn trong khảo sát của PAPI 2012.
Không phải lần đầu tiên PAPI - công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam - đưa ra khẳng định về thực trạng "lót tay" liên quan đến việc làm trong khu vực nhà nước. Đây là một trong những nội dung thành phần liên quan trục nội dung "Kiểm soát tham nhũng" - một chỉ số để đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Quan hệ cá nhân quan trọng
Theo nhóm thực hiện, tính phổ biến và tính hệ thống của tình trạng "vị thân" trong khu vực nhà nước, thậm chí ở cả vị trí thấp nhất trong hệ thống chính quyền đã được khẳng định dựa trên kết quả khảo sát PAPI trong 3 năm qua.
39,07% số người được hỏi cho biết có hiện tượng phải "lót tay" mới có việc làm trong cơ quan nhà nước. Ảnh minh họa: Bình Minh |
Có tới 39,07% số người được hỏi cho biết có hiện tượng phải "lót tay" mới có việc làm trong cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, mối quan hệ cá nhân với người có chức, có quyền trong hệ thống nhà nước được xem là yếu tố quyết định thành bại trong khi xin việc vào một trong 5 vị trí được khảo sát bao gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an xã/phường, giáo viên tiểu học công lập và nhân viên văn phòng UBND xã/phường.
Trung bình trên cả nước chỉ có 39,07% số người trả lời cho biết không có hiện tượng "lót tay chạy việc". Ở cấp tỉnh, Tiền Giang là địa phương có số người cho biết không có hiện tượng trên nhiều nhất. Ở Điện Biên, tỉ lệ này là thấp nhất.
Mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền đóng vai trò quan trọng đối với những ai theo đuổi nghiệp công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong 5 vị trí việc làm được khảo sát trong nghiên cứu của PAPI.
Nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh, thành phố về tính phổ biến của hiện tượng "vị thân" trong tuyển dụng nhân lực vào cơ quan nhà nước.
Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Định được người dân đánh giá tốt hơn so với các địa phương khác.
Trong số 5 vị trí "xin vào làm việc" được đo lường, Vĩnh Phúc đạt 2,23 điểm/5 điểm, có nghĩa là theo đánh giá của người dân Vĩnh Phúc, việc thân quen là không quan trọng ở khoảng 2 trong số 5 vị trí, cao hơn so với điểm trung bình toàn quốc là 1,2 điểm.
Khánh Hòa chỉ đạt 0,4 điểm/5 điểm, tức là mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền khi xin việc ở khu vực nhà nước là quan trọng ở cả 5 vị trí.
Tăng điểm về quyết tâm chống tham nhũng
Liên quan "Kiểm soát tham nhũng", PAPI cũng xét trên các nội dung khác bao gồm tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, mức độ tâm huyết phòng, chống tham nhũng của chính quyền tỉnh/thành phố, tham nhũng trong cán bộ chính quyền.
Lễ công bố kết quả PAPI 2012 sáng 14/5. Ảnh: Đặng Huyền |
Tổng thể, Tiền Giang là tỉnh đạt điểm cao nhất với số điểm 6,95. Điện Biên đạt thấp nhất với 4,25 điểm. Về phạm vi toàn quốc, các địa phương có dấu hiệu cải thiện ở trục nội dung "kiểm soát tham nhũng", với mức độ cải thiện đạt giá trị +2,59% khi so sánh điểm trung bình toàn quốc của năm 2012 với năm 2011.
Đáng chú ý, nội dung thành phần "quyết tâm chống tham nhũng" tăng điểm. Theo PAPI, sự gia tăng về điểm ở nội dung thành phần này có thể được giải thích từ thực tế là trong năm 2012, Trung ương Đảng đã ban hành và thực hiện nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, trong đó yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm "nguyên tắc tự phê bình và phê bình" nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, thông tin về sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống tham nhũng và quyết định thành lập lại Ban Nội chính cũng có thể tác động đến đánh giá của người dân.
Bạn suy nghĩ gì về thực trạng "lót tay chạy" vào khu vực nhà nước mà PAPI 2012 đề cập? Xin gửi ý kiến về banchinhtri@vietnamnet.vn |
Linh Thư