Một tổ chức quốc tế mới đây cảnh báo rằng, Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ ngành ngư nghiệp nước này, đe dọa sự sống còn công nghiệp đánh bắt cá ở Tây và Trung Thái Bình Dương.


{keywords}

Các tàu cá Trung Quốc bị cho là đã đánh bắt trái phép ở vùng biển Hàn Quốc ở Hoàng Hải. Ảnh: wordpress

Lời cảnh báo được đưa ra trong báo cáo tóm tắt tại cuộc họp của Cơ quan Diễn đàn Nghề cá (FFA) gồm 17 nước tham dự nhấn mạnh rằng, nếu không có biện pháp cấp cao được thực hiện, ngành ngư nghiệp khu vực sẽ gặp khó khăn.

Cuộc họp FFA diễn ra ở Honiara, quần đảo Solomon. FFA lo ngại sâu sắc về sự gia tăng chóng mặt các đội tàu Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh có nhiều biện pháp trợ cấp, hỗ trợ đội tàu đánh bắt nước sâu. "Đó chính xác là những chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển, mở rộng và hiện đại hóa các đội tàu đánh bắt nước sâu. Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách thức hỗ trợ để đạt được mục tiêu này", lời cảnh báo cho biết.

Mức độ và cường độ của các gói trợ cấp là đáng kể và tạo cho các đội tàu nước sâu của Trung Quốc lợi thế hơn hẳn các đội tàu của nước khác không có điều kiện về kinh tế. Theo FFA, người Trung Quốc đã gia tăng nhiều mức độ đánh bắt và khiến các nước khác phải giảm tỉ lệ đánh bắt.

"Nếu không có sự can thiệp của chính phủ trong vấn đề này, nếu không có cam kết hỗ trợ rõ ràng từ các chính phủ, thì viễn cảnh tồn tại của các đội tàu ngoài Trung Quốc (tại Tây và Trung Thái Bình Dương) là rất khó khăn", FFA nhấn mạnh. Theo tổ chức này, Trung Quốc dự kiến tăng cường đội tàu đánh bắt nước sâu lên 2.300 chiếc vào cuối năm 2015.

Bắc Kinh đã áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ cho các công ty ngư nghiệp, hỗ trợ trực tiếp đội tàu đánh bắt về nhiên liệu, thông qua các khoản cho vay lãi suất thấp để ngư nghiệp phát triển. Thậm chí chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc còn sẵn sàng trang trải chi phí cho các đội tàu đánh bắt ở Nam Thái Bình Dương.

Trước đây, các đội tàu đánh bắt cá lớn của Trung Quốc tập trung tại Tây Thái Bình Dương, nhưng hiện tại họ cũng đã tăng cường hoạt động ở hầu khắp các vùng biển trên thế giới.

Trên thực tế, vấn đề ngư nghiệp là mối quan tâm an ninh hàng đầu đối với các nhà chiến lược hàng hải của Trung Quốc, vì nó liên quan trực tiếp tới tài nguyên và chủ quyền - hiện là tâm điểm dẫn dắt chiến lược phát triển hàng hải của nước này. Bên cạnh nguy cơ khai thác không bền vững, vai trò của Trung Quốc trong ngư nghiệp còn có những ảnh hưởng về an ninh quốc tế.

Đầu tiên, sẽ là một tuyên bố khá hợp lý rằng, đội tàu đánh bắt đang ngày càng được mở rộng của Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội to lớn để tăng cường "nhận thức hàng hải’’ tại một số vùng biển nhạy cảm về chiến lược, kéo dài từ Ấn Độ Dương tới trung tâm Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc thông qua quan điểm phát triển hải quân trong những thập niên tới, với sự hiện diện mở rộng tại Ấn Độ Dương và vùng biển châu Phi, thì sau đó, các đội tàu đánh bắt sẽ có vai trò quan trọng trong “nâng cao nhận thức hàng hải’’.

Thứ hai và khá thích hợp với xu thế phối hợp chặt chẽ giữa dân sự và quân sự của Trung Quốc là các tàu đánh bắt lớn sẵn sàng trở thành lực lượng “dân quân” hàng hải để có thể hỗ trợ cần thiết trong một chiến dịch quân sự nếu cần thiết. Sự “chuyển hướng” của một số tàu đánh cá Trung Quốc có thể là thách thức với bất cứ đối thủ nào nỗ lực chống lại chiến lược này.

Cuối cùng, có một khả năng gần như chắc chắn rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển đội tàu đánh bắt không vũ trang hoặc tàu giám sát ngư trường để đối phó với những tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển còn tranh chấp.

Thái An (theo stuff, jamestown)