Ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tố cáo các quan chức tham nhũng.


{keywords}
 

Bắt cả ruồi và hổ

Chu Văn Tân là một trong những blogger đầu tiên ở Trung Quốc, sống tại huyện Lợi Tân, thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy chưa hiểu hết sức mạnh của blog cho tới khi ông quyết định đưa lên đó tin tức chuyến đi của ông tới y ban Thanh tra K luật của thành phố ngày 13/4/2011.

Khi ấy, ông định tố cáo cấp trên tội nhận hối lộ sau khi mất cả năm trời để thông tin cho Ủy ban Kỷ luật cấp huyện về những hoài nghi của ông nhưng bị phớt lờ.

Tuy nhiên, khi ông nói với người bạn về việc dự kiến đưa vụ việc lên cấp cao hơn, người này đã khuyên ông sử dụng một dịch vụ blog được nhiều người dùng ở Trung Quốc, để công khai vụ việc và thu hút sự chú ý hơn của công chúng.

Ông Chu đăng ký tài khoản mạng xã hội đó và viết blog trên chiếc điện thoại thông thường. Khoảng một giờ sau khi ông gửi bài viết đầu tiên, Ủy ban Thanh tra thành phố đã liên lạc với ông.

Do áp lực của công chúng và báo chí, ủy ban này đã điều động một nhóm công tác tới huyện Lợi Tân để điều tra vụ việc. Cáo buộc của ông Chu đã xác minh và vị cấp trên bị cảnh báo, kỷ luật.

"Những gì tôi làm khi ấy giống như sự đổi mới. Nhưng hiện tại, việc tố cáo các quan tham trên blog đã trở nên phổ biến hàng ngày. Nó thu hút sự chú ý của cả người dân và báo chí", ông Chu nói.

"Tôi chỉ bắt được "ruồi" trong khi ông La Xương Bình (một nhà báo Trung Quốc) đã bắt được "con hổ" đầu tiên giữa lúc tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc cam kết chống tham nhũng" - ông Chu nhấn mạnh.

Trong tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu các cơ quan thanh tra kỷ luật phải nỗ lực chống tham nhũng, kể cả "ruồi" lẫn "hổ" - ám chỉ các quan tham dính líu tới tham nhũng lớn hay nhỏ.

Áp lực cho người nhúng chàm

Hồi tháng 12/2012, nhà báo La Xương Bình, phó trưởng ban biên tập t Tài Kinh, một tạp chí có uy tín tại Trung Quốc đã dùng tài khoản trên mạng xã hội để cáo buộc Lưu Thiết Nam - phó chủ nhiệm Ủy ban quy họch nhà nước đầy thế lực.

Nhà báo La Xương Bình cho biết, lúc đầu ông nhận được thông tin qua điện thoại từ Nhật Bản. Người tố cáo chính là "người tình" của quan chức tham ô này. Phải mất một năm dài, nhà báo này mới phối kiểm các thông tin và đến tháng 12/2012, ông công bố trên blog các vụ bê bối của ông Lưu Thiết Nam, nhất là lạm dụng chức quyền để giúp gia đình làm giàu bất chính.

Ngày 14/5 vừa qua, Lưu Thiết Nam đã bị cách chức. Đây là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc - tương đương với thứ trưởng - mất chức sau khi hành vi bê bối bị tố cáo trên Internet.

Trong khi ngày càng có nhiều người tìm tới truyền thông xã hội để bày tỏ quan điểm, và nhất là dùng blog phơi bày các vụ việc tiêu cực, thì nhà chức trách Trung Quốc vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Ông Trương Thiệu Long, quan chức Ủy ban Thanh tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc cho hay tố cáo trực tuyến không phải là cách chính thức để thông tin về tham nhũng bởi có nhiều thông tin bị sai lệch, không chính xác, rất khó xác minh. Ông thúc giục mọi người tố cáo quan tham thông qua các kênh chính thức.

Trong tháng 4, một số trang web phổ biến ở Trung Quốc đã cung cấp những đường link tới các trang chống tham nhũng chính thức của chính phủ. Nhưng giới phân tích cho rằng, hầu hết người dân thích sử dụng các kênh không chính thức hơn vì thu hút được rất nhiều người quan tâm.

Nhà báo La Xương Bình nói rằng, thành công của ông trong vụ việc tìm ra sai phạm của cựu quan chức họ Lưu chỉ là trường hợp riêng lẻ và không có nghĩa là hệ thống đã được cải thiện.

Ông Nhậm Kiên Minh, giám đốc trung tâm nghiên cứu quản trị sạch và giáo dục tại Bắc Kinh cho rằng, truyền thông xã hội chỉ là một cách chống tham nhũng nhưng sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Một công chức ở tỉnh Hắc Long Giang nói, ông không sợ bị điều tra và sẵn sàng đặt mình dưới sự giám sát của người dân. Nhưng ông thừa nhận rất lo ngại về những vụ tấn công ảo không có cơ sở, cố tình âm mưu làm ảnh hưởng tới vị trí và tiếng tăm của mình.

"Hiện tại, truyền thông xã hội là cách phổ biến để tố cáo tham nhũng. Nó sẽ tạo ra áp lực cho những ai nhúng chàm", vị công chức cho biết.

Thái An (theo China Daily, Reuters)