- Cho rằng không thể kéo dài hơn nữa tình trạng DN khó khăn, phá sản… Ủy ban Kinh tế QH đề xuất Chính phủ cần có phương án gỡ khó cụ thể và công bố rõ ràng.
Nhiệm vụ nặng nề
Thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ các tháng đầu năm, UB Kinh tế QH đưa ra nhiều nhận định xoáy sâu vào những nguy cơ bất ổn của nền kinh tế.
Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Giàu cho rằng, kết quả bước đầu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vừa qua vẫn chưa thể làm xoay chuyển được xu thế khó khăn trước mắt. Trong khi đó tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị .
Ông Giàu phân tích, cho dù tốc độ tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 4,89% có cao hơn cùng kỳ năm ngoái (4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý 1 các năm trước đó.
Tương tự, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông lâp nghiệp cũng đạt thấp nhất so với các năm gần đây.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 5,5% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì sụt giảm; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I đạt 29,6% GDP, cũng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2012 (36,2%).
“Cùng với việc nguồn vốn FDI và tín dụng cho nền kinh tế tăng thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự cải thiện”, ông Giàu cho hay.
Một số chủ trương lớn của Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DN còn chậm trễ.
Cụ thể, UB Kinh tế cho rằng việc triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm.
Còn với kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, UB Kinh tế cho rằng các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo đề án Chính phủ nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích.
Cũng liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, UB Kinh tế bày tỏ quan ngại về quản lý giá vàng, về số liệu nợ xấu thiếu nhất quán.
Tất cả mọi sự không minh bạch nói trên đã gây ra hoài nghi, tác động đến tâm lý xã hội và thị trường.
“Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn”, ông Giàu cho hay.
“Không thể kéo dài hơn nữa”
Về định hướng chính sách thời gian tới, UB Kinh tế cho rằng, sau một thời gian dài kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.
Cùng với yếu tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng mới chỉ bắt đầu, nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế, dự báo năm 2013 nền kinh tế chưa có thêm nhiều sản phẩm mới có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trong khi dự báo giá cả thế giới sẽ giảm so với năm 2012 nên kim ngạch xuất khẩu 2013 khó có sự bứt phá mạnh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay, việc linh hoạt các chính sách phải theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.
Một số ý kiến cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như nghị quyết của Quốc hội.
Đóng góp cho giải pháp cụ thể, UB Kinh tế đề xuất cần triển khai nhanh các chính sách Chính phủ đã ban hành, đặc biệt, có phương án tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với doanh nghiệp
Dự kiến, các vấn đề kinh tế xã hội nêu trên sẽ được đại biểu QH thảo luận trong phiên họp tổ ngày 22/5 và trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào 30/5.
Lê Nhung