- Tất cả tiêu cực phát hiện được đều từ báo chí. Không có lý gì không phối hợp với báo chí - Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định bên hành lang QH sáng nay về văn bản ông ký mới đây.
Văn bản số 2998 của Bộ GD-ĐT gửi
các tỉnh, thành về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 nêu rõ Chủ
tịch tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với
cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm như lộ đề thi,
tiêu cực trong kỳ thi...
Việc "chỉ đạo" báo chí ở đây là "chỉ đạo" theo hướng gì, thưa Bộ trưởng?
Chỉ đạo là trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tin để tránh việc
nghe một cái là đăng, đăng không đúng. Ý nói là trước khi anh đăng, hoặc nghe
thông tin như học sinh nói có lộ đề toán, lý thì mình trao đổi với các cơ quan
xem thông tin như thế có đúng không. Cân nhắc đúng rồi thì các bạn đăng, chứ
đừng có nghe phản ánh là đăng mà không thẩm tra.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Không có lý gì không phối hợp với báo chí. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vừa rồi có những thông tin công bố có đúng đâu như thông tin bảo lộ đề báo động
rất nhiều nhưng cuối cùng thẩm tra không phải.
Không bao che
Đầy đủ nội hàm chỉ đạo của Bộ trưởng về vấn đề này cho chủ tịch các tỉnh,
thành là thế nào?
Đề nghị các cơ quan thông tin trao đổi với nhà trường, công an, Bộ để phối hợp
điều tra khi phát hiện thông tin liên quan tiêu cực thi cử. Khi có căn cứ thì
hãy đưa tin.
Vai trò chủ động là báo chí. Nếu cơ quan liên quan không phối hợp thì
báo chí công bố luôn thông tin cơ quan đó không phối hợp. Chúng tôi hoan nghênh báo chí phản ánh thông tin tiêu
cực, như vụ Đồi Ngô chẳng hạn. Các bạn có chứng cớ đúng rồi là thông tin. Nhưng
nếu chưa xác minh được thì không nên, mà cần trao đổi cho kỹ để có đúng thông
tin.
Chúng tôi còn khuyến khích học sinh
mang cả máy quay để cung cấp chứng cớ nếu thấy có tiêu cực. Không có giới hạn gì
cả với báo chí. Thậm chí nếu phản ảnh với trường, Bộ, chỗ nào nhận tin mà không
xử lý thì đăng luôn. Qua đó tạo sức ép xã hội đấu tranh tiêu cực.
Chỉ đạo là đề nghị với báo chí đưa tin cân nhắc, thận trọng. Vừa rồi thông tin
một cháu đưa lên mạng lộ đề này từ giờ này giờ kia. Thẩm tra kỹ các bạn sẽ thấy
ngay, nhưng không thẩm định gì cả. Nó không có lợi, nhất là chiều các cháu còn
làm bài, mai còn làm bài.
Trao đổi kỹ, thẩm định đúng rồi thì đưa tin. Trao đổi
kỹ với công an, thanh tra của chúng tôi phối hợp điều tra, xác minh để bóc tách,
xử lý. Chúng tôi không bao che. Kể cả cơ quan Bộ ai nhận không làm cũng nêu. Chúng
ta làm một cách có trách nhiệm để đảm bảo cho môi trường thi yên
tĩnh, không để thông tin của người hoặc vô tình, hoặc cố ý làm mất ổn định môi
trường thi cử.
Thưa Bộ trưởng, dư luận quan tâm công văn vì trước đây có thông tư về tố cáo
không có hiệu lực tố cáo?
Cái ý này khác. Chúng tôi sửa ngay rồi. Còn lần này các bạn đọc thấy là chỉ đạo
các tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm
trước khi đăng tin, để cân nhắc, định hướng.
Trong họp cơ quan, tôi nói cho đến thời điểm này, tất cả tiêu cực phát hiện được
đều từ báo chí. Không có lý gì không phối hợp với báo chí.
Bảo vệ học sinh đấu tranh
chống tiêu cực
Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện phòng chống gian lận thi cử
bằng việc cho phép mang thiết bị ghi hình vào để ghi chứng cứ. Đánh giá của Bộ
trưởng về tác động của biện pháp này?
Trước hết là tác động về mặt tâm lý. Tất cả quy chế cho đến thời điểm hiện nay
đều với một giả thiết là thầy giáo và cán bộ quản lý tốt đi giám sát học sinh
cho nghiêm chỉnh. Nhưng thực tế có thầy giáo, cán bộ quản lý chỉ đạo cũng có vi
phạm. Quy chế hiện nay chưa có giám sát đối tượng này, mới chỉ có cách ly vòng
ngoài, vòng trong. Học sinh cũng là chủ
thể của nhà trường, cũng có thể có gian lận, vi phạm, nhưng nhiều cháu
trung thực, đấu tranh thì mình không có lý gì không sử dụng lực
lượng ấy.
Cho nên thầy cô giáo cũng cảm thấy trên đầu anh có cái camera vô hình nào đấy,
thì anh phải nghiêm chỉnh. Các cháu học giỏi mình biểu dương, các cháu trung
thực, nhặt được của rơi trả cho người mất, giúp đỡ bạn bè, giờ đấu tranh
chống tiêu cực thì mình phải động viên, bảo vệ các cháu. Điều này có giá trị vô
hình. Tôi được phản ánh, ít nhất cô giáo không đứng tụm nói chuyện, không ra
hành lang nói chuyện với giám thị hành lang. Như thế việc này có tác dụng ngay.
Có sự giám sát đối với lực lượng thực thi công vụ. Chứ không phải chỉ lực lượng
thực thi công vụ giám sát các cháu.
Linh Thư