- Không nên chỉ ưu đãi thuế đối với bất động sản, nên có ưu đãi với nhiều lĩnh vực khác.

{keywords}
ĐB Nguyễn Phi Thường: Tấc đất tác vàng thế này, nhà đầu tư sẽ nhăm nhăm xây căn hộ để bán chứ không ai làm bãi đỗ xe, đường cho giao thông công cộng... Ảnh: Lê Anh Dũng

Tại dự thảo sửa đổi hai luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đối tượng là nhà ở xã hội đều nhận được ưu đãi. Cụ thể, giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua... có thể được hưởng thuế suất ưu đãi 10%. Thảo luận tại tổ hôm nay (21/5), các ĐBQH có nhiều ý kiến xung quanh các chính sách này.

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đồng tình về tính cấp bách của tình trạng đóng băng bất động sản (BĐS) song cho rằng "không phải các doanh nghiệp BĐS bị giải thể nhiều nhất". Từ đó, ông đề nghị Chính phủ có báo cáo rõ hơn về tình hình của các doanh nghiệp để các biện pháp ứng cứu về thuế đến được đúng đối tượng.

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh chia sẻ suy nghĩ: Với gói hỗ trợ BĐS 30 nghìn tỷ đồng vừa mới triển khai, điều quan trọng là đến đúng đối tượng.

Cũng băn khoăn làm sao để chính sách đến được với người thực sự thụ hưởng, các ĐB nhận định thời gian giảm thuế GTGT chỉ 1 năm là không đủ để thị trường tiếp cận và hấp thụ chính sách.

"Theo thống kê, đến nay trên toàn quốc mới có 24 dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, e rằng trong 1 năm chưa kịp có hàng hóa trên thị trường, người cần mua chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, dẫn đến chính sách không có tác dụng trên thực tế", ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phân tích.

Nhiều ý kiến ĐB đề nghị kéo dài thời gian này ít nhất đến hết năm 2014.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB băn khoăn về tiêu chí "diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2". ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) e rằng tiêu chí này sẽ sớm lỗi thời.

Chia sẻ lo ngại của UB Tài chính - Ngân sách về nguy cơ "chia nhỏ diện tích sàn căn hộ", ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá rõ tác động khi ban hành chính sách này.

"Nhà chia nhỏ cứ cho là bán được, sẽ nạp thêm dân vào đô thị, khi ấy cơ sở hạ tầng sẽ đáp ứng ra sao trong hiện tại và tương lai?", ông Hà phân tích. "Nay nhà nước bỏ tiền cứu được thị trường BĐS, nghĩa là cứu doanh nghiệp, sau này trước những hậu quả về quản lý xã hội, ngân sách, nghĩa là tiền thuế của dân, nghĩa là dân, lại phải cứu nhà nước".

Từ đó, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chỉ ra không nên chỉ ưu đãi thuế đối với lĩnh vực BĐS. "Tấc đất tác vàng thế này, nhà đầu tư có đất sẽ nhăm nhăm xây căn hộ để bán chứ không ai làm bãi đỗ xe, đường cho giao thông công cộng, trong khi đó đang là những thách thức và áp lực lớn của các đô thị", ông Thường lo lắng.

ĐB Hà Nội đề nghị có những ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông tĩnh và giao thông công cộng khối lớn.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng lưu ý ưu đãi thuế cho cả những doanh nghiệp tham gia cải tạo môi trường, sản xuất nông nghiệp kiểu mới để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư công nghệ cao.

Hai dự thảo luật này sẽ được các ĐB thảo luận tại hội trường ngày 28-29/5.

X.Linh - C.Quyên - T.Chung