- Tôi làm ở đâu cũng vậy, ban đầu thì chưa thể biết được hết, nhưng cứ quyết tâm, cứ dốc lòng với công việc thì ắt sẽ tìm ra giải pháp - tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ với báo giới sáng 24/5, ngay sau khi nhậm chức.

>> 'Lãnh đạo phải bắt tay nhau'

Trở thành vị tư lệnh nắm tay hòm chìa khóa tài chính quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, ông cảm nhận gì về sức nóng chiếc ghế mình ngồi và trọng trách được giao?

- Tôi rất vinh dự được Chính phủ, Bộ Chính trị, Thủ tướng tin tưởng giới thiệu và được QH phê chuẩn nhận nhiệm vụ mới. Đây cũng là trách nhiệm rất lớn lao, đặc biệt trong tình hình rất khó khăn như hiện nay.

{keywords}
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cả hệ thống phải phối hợp nhịp nhàng chứ ông chằng bà chuộc thì không yên tâm. Ảnh: Châu Quyên

Bản thân tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết mình. Trước hết là tập trung nắm lại tình hình rồi làm sao quy tụ anh em trong ngành tài chính trên dưới một lòng để hoàn thành nhiệm vụ.

Họp trực tuyến hết

Ông sẽ ưu tiên giải quyết những công việc gì trên cương vị mới?

- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì trước mắt phải nắm chắc tình hình thu - chi dự toán ngân sách nhà nước. Tổ chức mạnh mẽ, quyết liệt hơn các giải pháp chống thất thu, xử lý nợ đọng, kể cả việc rà soát giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một mặt phải thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy thu, mặt khác phải thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Hai là tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu.

Ba là căn cứ tình hình thực tế để rà soát kiểm soát chặt chẽ nợ công và nợ Chính phủ.

Đẩy nhanh tiến độ cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách nhà nước phù hợp để đảm bảo khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối ngân sách.

Ngoài ra, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý về giá, đặc biệt là giá xăng dầu theo chủ trương của ta là điều hành theo cơ chế thị trường, giá điện, giá than và giá các dịch vụ công thì hướng tới thị trường có lộ trình phù hợp.

Các giải pháp thì rất là nhiều, chắn chắn kỳ họp này sẽ bàn, thông qua các giải pháp Chính phủ đề xuất, thậm chí QH có thể đề xuất thêm. Chính sách của mình tốt nhưng tổ chức thực hiện chưa có đột phá, thành ra kết quả chưa được như mong muốn.

Thưa ông, túi tiền quốc gia đang hao hụt. Theo dự báo, khả năng thu ngân sách năm 2013 khó đạt được như dự toán do nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy ông sẽ đề ra những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013?

- Đầu tiên phải chống thất thu ngân sách để bù đắp, thông qua các giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Từ nợ đọng, chuyển giá, rồi xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế. Hiện tại việc thực thi pháp luật của chúng ta còn có nhiều chuyện phải bàn.

Đồng thời phải thực hiện tiết kiệm chi, trong các giải pháp trình QH đã nói các khoản chi không cần thiết thì cắt bỏ. Đi công tác, hội nghị hội thảo đều phải rà soát lại. Rồi họp hành triển khai các chương trình, nội dung là làm trực tuyến hết.

Quan trọng hơn giải quyết cái lâu dài là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Đây là vấn đề căn cơ, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy nguồn thu lâu dài, có thể trước mắt mình phải miễn, phải hoãn, thậm chí phải giảm thuế để nuôi nguồn thu lâu dài.

Thách thức rất lớn

Khi ông còn ở cương vị Tổng Kiểm toán, năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra hàng chục ngàn tỷ đồng tiền gian lận thuế, nợ đọng, chiếm dụng, sử dụng sai quy định. Năm vừa rồi cũng chuyển một số trường hợp sai phạm sang cơ quan điều tra? Vậy tới đây sang Bộ Tài chính liệu ông có định áp dụng cách làm này?

- Tôi vẫn nói với anh em, mình phải chuyển từ tư duy bị động sang chủ động trong phòng chống tham nhũng. Có nghĩa thế này, trước kia anh em làm xong, kết luận xong rồi để đấy, thậm chí có những cái không minh bạch. Thế rồi sau này vỡ lở ra vụ án nọ vụ án kia, bao giờ công an điều tra cũng sang hỏi vì anh đã kiểm toán rồi.

Tuy nhiên, khi tôi làm, tôi nói rằng phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Việc kiểm toán, thanh tra để phát hiện dấu hiệu còn xử lý đến đâu là trách nhiệm cơ quan điều tra. Do đó phải xác định rõ ranh giới.

Sang Bộ Tài chính tới đây tôi cũng sẽ áp dụng tư duy như thế. Cả hệ thống phải phối hợp nhịp nhàng chứ ông chằng bà chuộc thì không yên tâm.

Ông từng làm công tác chuyên môn tại các tổng công ty, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh ủy. Bề dày công tác giúp gì cho ông khi giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính?

- Kinh qua nhiều vị trí thì có nhiều kinh nghiệm. Tuy kinh qua nhiều lĩnh vực nhưng quá trình công tác của tôi vẫn gắn với kinh tế tài chính, kiểm toán. 

Nhưng thách thức cũng rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Hơn nữa, so với những vị trí công việc trước đây thì làm Bộ trưởng Tài chính là sang một lĩnh vực khác hẳn. Bộ máy tổ chức trải dài từ Trung ương cho đến tận huyện, cũng nhiều ngành nhạy cảm.

Đứng trước các khó khăn, tôi xác định thứ nhất là cứ quyết tâm làm. Thứ  hai là phải dốc lòng vì công việc. Tôi làm ở đâu cũng vậy, ban đầu thì chưa thể biết được hết, nhưng cứ quyết tâm, cứ dốc lòng với công việc thì ắt sẽ tìm ra giải pháp. Không ngại khó.

Lê Nhung