- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, mua bảo hiểm y tế (BHYT) rồi, người dân có quyền chọn nơi khám. Nếu năng lực bệnh viện tuyến dưới đảm bảo thì chẳng ai muốn đi xa xôi cho khổ.

Câu hỏi lớn không lời đáp

Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 22/5, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đặt ra một câu hỏi mà bà cho là “lớn” và chính bà cũng không thể trả lời mỗi lần đi tiếp xúc cử tri.

Câu hỏi đó là: “Nếu mình là người bệnh, đi khám BHYT thì có thể yên tâm với những chính sách mà ngành y tế đặt ra không?”. Bà Tâm tự trả lời: “Trong thâm tâm thì tôi không yên tâm”.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi không yên tâm. Ảnh: Lê Anh Dũng


Bà Tâm tiếp tục: BHYT hiện đã phân tuyến nhưng chúng ta đã yên tâm được với tuyến quận, huyện chưa? Đầu tư cho tuyến cơ sở đã đủ mạnh chưa?

Theo bà Tâm, những vấn đề đó chưa làm được mà ngành y tế đã đặt ra những chính sách có tính áp đặt, đó là việc người dân mua BHYT không được lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu mà bắt buộc phải khám ở tuyến dưới trước, sau đó mới được lên tuyến trên.

Vị ĐBQH cho biết khi bà tiếp xúc cử tri, cử tri đặt câu hỏi: Ngành y tế áp đặt quá. Nếu phân luồng như hiện nay, người bệnh có thẻ BHYT phải khám ở tuyến dưới trước, thực tế đáng ra bệnh phải lên tuyến trên nhưng không lên được.

“Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng vì không được chuyển lên tuyến trên? Điều đó làm cử tri bất an. Vì sao ngành y tế lại quy định như vậy? Vì năng lực hạn chế hay vì khó khăn trong quản lý nên đẩy cái khó cho người dân? Tôi không trả lời cử tri được vì đó là câu hỏi quá lớn”, bà Tâm nói.

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập bình luận: “ĐB Tâm nói khiến tôi liên tưởng đến lệnh cấm đội mũ bảo hiểm rởm, không phạt được ai lại đi phạt người mua”.

Đừng áp đặt mệnh lệnh hành chính

ĐBQH, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan hoàn toàn đồng tình với ĐB Quyết Tâm.

Trao đổi với VietNamNet, bà Lan cho rằng nếu năng lực bệnh viện tuyến dưới đảm bảo thì người dân sẽ tự tìm đến, chẳng ai muốn đi xa xôi cho cực khổ.

{keywords}
ĐBQH, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan: Nhiệm vụ của ngành y tế là tạo ra những cơ sở tốt để người dân có nhiều lựa chọn. Ảnh: Lê Anh Dũng


“Đừng coi BHYT như tem phiếu thời bao cấp, có thẻ rồi là bắt buộc người dân phải khám ở chỗ nọ chỗ kia. BHYT là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, mua rồi thì người ta có quyền lựa chọn nơi khám. Còn nhiệm vụ của ngành y tế là tạo ra những cơ sở tốt để người dân có nhiều lựa chọn, tránh quá tải”, bà Lan nhấn mạnh.

Luật BHYT và luật Khám chữa bệnh quy định người dân có quyền tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh mà mình mong muốn, nhưng hiện nay khi họ tham gia BHYT thì lại bị áp đặt là phải khám chữa bệnh ban đầu ở đâu (theo phân bố hành chính). Bà Lan cho biết cách áp đặt như vậy không giải quyết được vấn đề gì.

“Trong một số trường hợp người dân bỏ mặc BHYT để xuất tiền túi lên tuyến trên. Như vậy, quá tải ta vẫn không giải quyết được mà lại khiến người dân mất quyền lợi”, vị ĐBQH nhấn mạnh.

Chuyển tuyến nhiêu khê, có hậu quả ai chịu?

Tại buổi giải trình với UB Các vấn đề xã hội của QH về chuyển tuyến khám chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ BHYT chiều 17/4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin: Việc chuyển tuyến trong thời gian tới sẽ được siết chặt, bệnh viện tuyến trên nhận khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thông thường (mà tuyến dưới chữa được) sẽ bị phạt và hạ bậc thi đua.

Bà Lan không đồng tình với quy định này vì giảm tải vấn đề không phải áp đặt bệnh nhân và bệnh viện. “Nếu bệnh nhân bị bệnh nặng thì sao?”.

{keywords}
Bệnh viện K - nơi quá tải trầm trọng nhất cả nước. Ảnh: Cẩm Quyên


Việc siết chặt chuyển tuyến có thể sẽ khiến các quy định, trình tự, thủ tục giấy tờ thêm nhiêu khê.

“Trong khi bác sỹ phải giành giật sự sống từng phút thì chúng ta lại vướng vào những thủ tục hành chính như thế này”, vị ĐBQH lo ngại.

Đó là chưa kể bản thân các chính sách của ngành hiện có phân biệt đối xử giữa các hạng bệnh viện: Bệnh viện tuyến trên được triển khai kỹ thuật cao, danh mục thuốc cũng rộng hơn, giá thanh toán tuyến trên cũng cao hơn. Nếu bệnh nặng, người dân không tội gì ở tuyến dưới.

“Chúng ta đã trói chân trói tay bệnh viện tuyến cơ sở từ đầu khi giới hạn họ chỉ được làm trong một phạm vi nhất định. Không bệnh viện nào muốn nhận mình hạng 2, hạng 3. Theo tôi hạng bệnh viện không nên phụ thuộc vào đơn vị hành chính như hiện nay mà tùy thuộc năng lực bệnh viện và người bệnh có quyền lựa chọn. Nếu bệnh viện tuyến quận, huyện mà đầu tư tốt ngang bằng với tuyến thành phố thì không có lý do gì lại bị phân biệt đối xử như vậy”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.

Cẩm Quyên