- "Người dân không quan tâm tên nước như thế nào... Chúng ta không cần đổi tên nước vì sẽ tốn kém trăm bề" - PGĐ Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân nói.

>> Toàn cảnh Góp ý dự thảo Hiến pháp

Tại buổi thảo luận tổ hôm nay về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhiều ý kiến của ĐBQH bày tỏ đồng tình tiếp tục giữ tên nước như hiện nay.

{keywords}
ĐB Phạm Trường Dân: Chúng ta không cần đổi tên nước. Ảnh: Minh Thăng

ĐB, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân phản ánh "người dân không quan tâm tên nước như thế nào, chỉ người hưu trí quan tâm". "Chúng ta không cần đổi tên nước vì nếu đổi tốn kém trăm bề. Trong lúc khó khăn như này, đó là một gánh nặng rất lớn cho nhân dân. Tên hiện tại đã là một ấn tượng, dấu ấn rất lớn trong nhân dân khi đưa ra trong thời điểm thống nhất hai miền Nam - Bắc" - ông phát biểu.

Lý do ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng ủng hộ giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo ông, chưa bàn đến những yếu tố khác, việc thay đổi trong thời điểm hiện nay dẫn đến những thay đổi tốn kém như con dấu, quốc huy, đặc biệt là đồng tiền theo đó bị thay đổi.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) khẳng định tên nước CHXHCN Việt Nam không gây cản trở cho sự phát triển, hội nhập của đất nước khi nó đã "đi vào cuộc sống, quen thuộc với người dân, bạn bè quốc tế".

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng phản ánh, mặc dù có ý kiến người dân góp ý đổi tên nước nhưng qua tiếp xúc cử tri, bà được biết đại đa số người dân TP.HCM nhất trí với tên nước hiện nay.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm và Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Anh Dũng


"Cũng có người phân tích yếu tố XHCN chưa có hoặc đang có nhưng chưa rõ nét nhưng rõ ràng đường lối này là nhất quán, chúng ta đang xây dựng đất nước theo định hướng này. Do vậy ý thức của người dân thành phố thống nhất tên gọi hiện nay là hoàn toàn phù hợp".

Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng việc lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không phải là sự thụt lùi như một số ý kiến nhận định. "Không nên coi đó là lùi mà phải coi đó là trở lại với những giá trị ban đầu", ông nói.

Các thành phần kinh tế đều bình đẳng

Đối với vấn đề hiến định các thành phần kinh tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ĐB TP.HCM,  chọn phương án 3 - các thành phần kinh tế đều bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng lý giải: "Nếu chúng ta chỉ nói kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì kinh tế tư nhân và kinh tế nước ngoài sẽ thế nào, trong khi hai khu vực này có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, ngày càng trở nên vững chắc".

"Nếu theo phương án 1 thì kinh tế nhà nước là chủ đạo, còn kinh tế tư nhân là động lực, kinh tế nước ngoài được khuyến khích. Nếu nói vậy thì còn đâu là bình đẳng nữa?", bà Tiến nói.

ĐB Trần Du Lịch đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Y tế khi ủng hộ phương án 3, đó là "không nói ai là chủ đạo". 

Trong khi đó, một số ĐB đề nghị liệt kê các thành phần kinh tế vào Hiến pháp, vì thành phần kinh tế tư nhân đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP của đất nước. Trong khi đó, vừa qua, thực trạng một số doanh nghiệp nhà nước lớn làm ăn thua lỗ kéo dài dẫn đến tình cảnh "cha chung không ai khóc".

X.Linh - T.Chung - C.Quyên - L.Nhung