- Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng ý với quan điểm Hiến pháp là "sản phẩm của nhân dân", QH thay mặt nhân dân để biểu quyết, nhưng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp.
>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp
"Nói Hiến pháp không thay đổi là không công bằng"
Tại phiên họp tổ sáng 27/5 về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho hay việc lấy ý kiến nhân dân vừa qua được tổ chức nghiêm túc, triển khai sâu rộng, thể hiện ở con số 26 triệu lượt ý kiến tham gia đóng góp.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo |
Với 147 điều từ Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi rút xuống
còn 124 điều, chỉ có 11 điều (liên quan chính thể, chế độ chính trị) không sửa,
còn cơ bản có nhiều thay đổi, thậm chí cả lời nói đầu cũng được sửa đổi.
"Cụ thể mong muốn của sửa Hiến pháp là thể hiện chủ quyền nhân dân thì việc sửa
làm cho rất rõ, việc phân công quyền lực rất rõ, chủ quyền nhân dân liên quan
quyền con người là rất rõ. Các tổ chức quốc tế bên ngoài đánh giá cao điều này.
Những điều người ta mong muốn
thay đổi thì chúng ta không thể thay đổi được. Đó là những cái thuộc về nguyên
tắc, chính thể, chế độ chính trị này. Khi còn tồn tại thể chế đất nước do Đảng
Cộng sản lãnh đạo, đi theo con đường XHCN thì rõ ràng không thể thay thổi. Những
điều họ muốn bỏ điều 4, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đổi tên nước...
nhưng không thay đổi thì họ suy luôn là Hiến pháp không thay đổi. Nói thế không
công bằng" - ông phát biểu.
Lúng túng
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phản ánh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn bất
cập về thời gian. Trong khi đó, tài liệu không quy định phải về đến người dân,
tùy từng địa phương theo điều kiện mà làm.
"Nhiều nơi dân hầu như không có tài liệu, làm sao góp ý được? Sau đợt đầu làm
cấp tập để tổng hợp cho Trung ương, nay lại yêu cầu in tài liệu cho dân. Đằng
nào cũng xong đợt đầu rồi, nay chờ QH cho ý kiến để có bản mới nhất hẵng in phát
cho dân, không thì lãng phí, lúng túng" - ĐB phản ánh.
Ông cũng băn khoăn về kinh phí tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân. Do quy
định không rõ, nên về địa phương "rất lúng túng". Địa phương không thể lấy dự
phòng, nhưng ngân sách thì không đủ.
"Tỉnh còn có nguồn chứ xã thì lấy tiền đâu in tài liệu, về đến dân, trong khi
muốn nghe dân thì phải ở xã" - ĐB nhấn mạnh đây là bài học kinh nghiệm cho về tổ
chức thực hiện.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, cũng ở tổ ĐB Quảng Bình, đồng ý quan điểm Hiến
pháp là "sản phẩm của nhân dân", Quốc hội thay mặt nhân dân để biểu quyết, xác
định nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp. Nhưng việc lấy ý kiến nhân dân quá
gấp gáp và "đối phó".
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (phải):
Dự thảo chưa thể hiện được tinh thần cải cách đồng bộ |
"Giờ lấy tiếp ý kiến đến 30/9 cũng là cách giải thích rồi" - ông cho hay. Bộ
trưởng cũng mong muốn sửa Hiến pháp để cho có sức sống 20 năm, xa hơn nữa và
tính ổn định cao. Trước việc lấy ý kiến nhân dân còn gấp gáp, ông kiến nghị QH
xem xét, cần có cách nào để tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, tổng kết các vấn đề
thực tiễn tốt hơn nữa.
"Nên cung cấp các báo cáo nguyên bản của Chính phủ, MTTQ, Tòa án, Viện kiểm
sát... cho ĐBQH để nghiên cứu sâu hơn ý kiến của các cơ quan. Chính phủ tập hợp
ý kiến của 63 tỉnh thành và tất cả các bộ mà chỉ coi là một ý kiến thì chưa thỏa
đáng. Dự thảo Hiến pháp lần này chưa thể hiện được tinh thần cải cách đồng bộ.
Nếu thông qua thì tình trạng vẫn như vậy mà không có cải cách. Kinh tế đã đi rất
xa mà cải cách chính trị chưa nhích được bước nào" - ông Hà Hùng Cường nhận
định.
Tại tổ Đồng Nai, ĐB Dương Trung Quốc một lần nữa đề cập "quyền phúc quyết" của
dân để tránh việc nhân dân bị "nhân danh". Theo ông, chưa bao giờ Hiến pháp được
bàn thảo sôi nổi như hiện nay. "Dù có rất nhiều thiện ý trong quá trình lấy ý
kiến nhân dân nhưng vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định ta đã tập hợp hết ý
kiến".
L.Thư - L.Nhung - T.Chung - C.Quyên - Ảnh: L.A.Dũng