Chưa kịp tổng kết nên “trớt quớt”?
Thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm nay (27/5), ĐB Nguyễn Đình Quyền cho hay ông không thấy rõ chính quyền địa phương theo mô hình nào, dù chỉ là trên nguyên tắc.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì tỏ ý “thất vọng”: “Cũng thiết kế riêng một chương nhưng lần trước được tiếp thu một tí, dự thảo lần sau thì “trớt quớt” hết cả”.
Theo ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Hiến pháp có chương về chính quyền địa phương mà không quy định mô hình bộ máy chính quyền địa phương thì bằng "không quy định gì cả".
Nguyên nhân dẫn đến “khiếm khuyết” này, các ĐB đều đồng tình, là do chưa tổng kết việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường ở một số địa phương.
“Đáng tiếc là trước khi sửa Hiến pháp, ta chưa tổng kết được một số việc như hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, thí điểm không tổ chức HĐND..., thành ra dự thảo vì chờ các tổng kết trên mà chỉ quy định khung, mở, làm cử tri băn khoăn Hiến pháp mới còn thiếu cụ thể hơn Hiến pháp cũ”, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu.
Đại biểu QH tại phiên thảo luận tổ chiều 27/5 về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bà Nga cũng phản ánh, việc có quá nhiều dự định thay đổi đối với chính quyền địa phương đang làm cán bộ HĐND các cấp quận, huyện, phường tâm lý bất ổn về tương lai.
Tuy vậy, theo ĐB Trần Minh Diệu, không thể vì đề án thí điểm này mà để ngỏ quy định về mô hình bộ máy chính quyền địa phương trong Hiến pháp. "Trung ương quan trọng nhưng quyền lực của dân thực hiện ở địa phương ra sao mới là quan trọng nhất. Không lẽ có Hiến pháp mới không quy định về chính quyền địa phương? Vậy từ nay đến năm 2015 dự kiến mới có luật cụ thể thì các chính quyền địa phương hoạt động thế nào?", ĐB Diệu chất vấn.
Theo ĐB Trần Du Lịch, chương này phải nêu được: Chính quyền địa phương là ai? Phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào?
Có nên bỏ HĐND?
Yêu cầu nhanh chóng tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở một số địa phương đã tiến hành được 3 năm nay, nhiều ĐB cũng nêu quan điểm về việc giữ hay bỏ chế định này.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng “ở đâu có dân, ở đó cần có HĐND” như một cơ chế để dân thực hiện quyền dân chủ của mình.
“Còn ở đâu, HĐND cấp nào lâu nay còn hình thức, thiếu hiệu quả thì phải tìm nguyên nhân khắc phục”, ông Hùng chỉ ra.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) thì từ thực tế là một địa phương đang thực hiện thí điểm, phản ánh: Nếu đã thí điểm sao chỉ thí điểm bỏ HĐND mà không thí điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả HĐND?
Theo ông Thành, người dân không hoàn toàn đồng tình với những lý lẽ như “HĐND tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực, làm tăng biên chế…”. Ông đề nghị làm thí điểm tất cả các khả năng, nghe thêm nhiều ý kiến, nghiên cứu tổng kết thêm.
ĐB Hùng và ĐB Thành chia sẻ quan điểm: Ở đâu phát sinh quyền lực thì ở đó phải có giám sát quyền lực, nghĩa là có UBND thì phải có HĐND, không nên khập khiễng.
Về các chế định độc lập mới trong dự thảo như Hội đồng Hiến pháp và Hội đồng bầu cử, các ĐB băn khoăn về tính cần thiết.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng nếu lập cơ quan bảo hiến nhưng chỉ là cơ quan kiểm tra, kiến nghị thì không nên, mà giao cho UB Tư pháp, UB Pháp luật của QH.
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) thấy thực ra lâu nay đội ngũ ở các UB này vẫn làm nhiệm vụ bảo hiến, có điều chưa có tổng kết về hiệu quả và hiệu lực.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng thấy có thành lập thêm cơ quan này cũng khó phát huy trên thực tế, lại làm cồng kềnh thêm bộ máy.
Tương tự với HĐ bầu cử, “chế định này cần ở các nước đa đảng để tách việc bầu cử khỏi đảng cầm quyền và chính quyền, nên trong điều kiện nước ta là không cần thiết”, ông Cường nói.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đồng tình không nên thành lập hai cơ quan này.
- T.Chung - X.Linh - L.Nhung - C.Quyên