- Tổng hợp thảo luận tại các đoàn ĐBQH cho thấy, trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội vừa qua cho thấy rất nhiều ý kiến bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông. Trong khi đó báo cáo chung về kinh tế xã hội mà Chính phủ đọc trước Quốc hội chưa đánh giá nhiều về nội dung này.

Báo cáo đánh giá, nhận xét chung của các ĐBQH là công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững, đem lại sự bình yên cho đất nước.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo các ĐBQH, tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp.

Thời gian tới cần tăng cường công tác ngoại giao để từng bước củng cố an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. "Xử lý tốt vấn đề Biển Đông là mục tiêu lâu dài để ổn định phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội", báo cáo nhấn mạnh.

Các ĐBQH cũng đề xuất Chính phủ cần gửi báo cáo mới nhất về Biển Đông để đại biểu nắm bắt thông tin kịp thời báo cáo cử tri.

"Cần có đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, để tránh những động cơ xấu của thế lực thù địch, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đồng thời cần tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia", các ĐBQH kiến nghị.

Về lâu dài, ĐBQH  đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề Biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngoài ra, cần có giải pháp giúp ngư dân vươn xa bảo vệ biển. Cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Tăng cường cơ sở vật chất cho quốc phòng - an ninh, nâng cao tiềm lực quân sự của đất nước bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, gắn với dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số ĐBQH cũng lưu ý rằng cơ quan chức năng nên đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng. Thực hiện phòng thủ tốt theo nghị quyết 28 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thảo luận tại tổ Hải Phòng, có ĐBQH còn cho rằng nên chủ động cung cấp thông tin về tình hình biển đảo cho đội ngũ cán bộ cốt cán để họ có thể tuyên truyền đến người dân.

Ngày mai (30/5), các ĐBQH sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Tổng hợp kiến nghị của cử tri TP.HCM ngay trước thềm phiên khai mạc kỳ họp QH cho thấy, rất nhiều ý kiến cử tri lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Cử tri đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo; tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biến; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân. Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền biển đảo.

Ngọc Lê