- Đại biểu QH khẳng định giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN) là hết sức cần thiết, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn lịch sử dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.

Theo ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam), không chỉ giáo dục QPAN trong các trường học mà còn cần giáo dục nội dung này trong tầng lớp nhân dân. “Phổ biến quốc phòng, an ninh cho toàn dân là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, giúp cho người dân hiểu được chủ quyền quốc gia và có ý thức bảo vệ Tổ quốc”, ĐB Tam nói.

{keywords}
ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum). Ảnh: Minh Thăng

ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh các nhiệm vụ giáo dục QPAN như nhận thức về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ; các biện pháp phòng thủ dân sự; trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Dự thảo luật Giáo dục QPAN được các ĐB thảo luận chiều 29/5 quy định chi tiết việc giáo dục nội dung này ở từng cấp học, từ tiểu học, trung học phổ thông đến đại học. Tuy nhiên, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) lo ngại quy định cứng tỉ lệ chương trình học, coi là môn học bắt buộc, nhất là ở bậc tiểu học, sẽ gây quá tải, đồng thời không khả thi do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được.

ĐB Minh đề nghị lồng ghép nội dung này vào các chương trình ngoại khóa, phát huy vai trò của Đoàn, hội, Đội… ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) cũng chia sẻ thực tế đã chứng minh học sinh tham gia học kỳ quân đội rất hào hứng, thích thú. “Do đó, việc bộ môn này tồn tại trong nhà trường như một môn chính khóa hay môn ngoại khóa không quan trọng bằng cách thức tổ chức, hình thức tổ chức phù hợp”, bà nói.

Ngoài học sinh, sinh viên, các ĐB cũng nhấn mạnh cần giáo dục nội dung này với các đối tượng khác như công nhân, chủ doanh nghiệp, hay các chức sắc tôn giáo, già làng...

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề xuất quy định du học sinh ở nước ngoài sau khi về nước có quyền và nghĩa vụ học tập các kiến thức về QPAN.

Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ nguồn lực cho công tác giáo dục QPAN, cho rằng dự thảo luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội.

Dự kiến QH sẽ biểu quyết thông qua luật Giáo dục QPAN ngày 19/6.

Chung Hoàng