- Lãi suất huy động cao mà tỉ lệ cho vay rất thấp, cho thấy mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang nghiêng về huy động nhiều hơn là đi vay. Do đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị tiếp tục hạ lãi suất cho vay - ông Vũ Viết Ngoạn (Chủ tịch Ủy ban) trao đổi bên hành lang QH sáng 30/5.
Lãi suất vẫn là công cụ
Thưa ông, cơ sở nào để Ủy ban đề xuất việc này?
Lãi suất là giá cả của tiền tệ phản ánh đúng cung cầu tiền tệ. Chúng ta thấy lãi suất huy động đang rất cao mà tỉ lệ cho vay đang rất thấp. Điều đó chứng tỏ mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn đang nghiêng về huy động nhiều hơn là người đi vay. Lãi suất phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền và người đi vay. Tôi nghĩ còn có cơ sở để giảm tiếp.
Các ngân hàng lại cho rằng giảm lãi suất rất nhiều nhưng tăng tín dụng không được bao nhiêu, phần lớn các khoản vay để đảo nợ, bởi khả năng hấp thụ vốn đã cạn kiện. Ý kiến của ông?
Đối với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quan trọng nhất là chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra. Từ 2011 đến 5 tháng đầu 2013 lãi suất giảm liên tục nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ là một phần trong cả hệ thống các chính sách để đẩy tín dụng dư ra thôi.
Còn nhiều biện pháp khác như chính sách tài khóa, khơi thông sản xuất tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, tăng tổng cầu của nền kinh tế. Thế nhưng chính sách tín dụng mà cụ thể là lãi suất vẫn phải là công cụ cần thiết.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sưởi ấm nền kinh tế
Để phòng chống kinh tế suy giảm, cần tăng đầu tư vào khu vực nhà nước, theo ông biện pháp ấy có nên sử dụng khi đầu tư công đang kém hiệu quả?
Tôi đồng tình việc trong năm nay chúng ta bố trí thêm nguồn vốn để tăng chi cho đầu tư công nhưng cách thức để tăng chi đầu tư công có thể tăng bội chi ngân sách.
Có thể tăng chi bằng phát hành trái phiếu Chính phủ dù trái phiếu Chính phủ chưa tính vào dự toán cân đối ngân sách để tính bội chi ngân sách; thế nhưng tổng nợ công vẫn phải tính.
Trong thời điểm hiện nay tất nhiên phải tính toán, làm sao để cả mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài phải hài hòa.
Phải sưởi ấm nền kinh tế bằng tăng tổng cầu để kích thích tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu tăng 5,5% GDP. Nhưng, mức độ tăng chi đầu tư công thế nào cho hợp lý thì phải tính toán về liều lượng.
Thứ hai, với việc tăng chi đầu tư công, chúng ta phải cải thiện được hiệu quả đầu tư. Đương nhiên tôi cho rằng việc chúng ta cải thiện năng suất, hiệu quả đầu tư cũng cần có thời gian và thực tế chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu.
Vậy liều lượng đó sẽ như thế nào?
Tiều lượng cụ thể mà các cơ quan tính toán có lẽ phải thêm vài chục ngàn tỷ nhưng theo tôi năm nay theo dự toán chúng ta bố trí chi thấp hơn so với số thực hiện của năm trước. Vì thế, nếu thêm vài chục nghìn tỷ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là rất cần và hợp lý.
Cái quan trọng là đầu tư vào đâu? Nếu đầu tư vào hạ tầng cơ sở, các dự án hoàn thành sẽ mang lại hiệu ứng cao mà không ngại cái hiệu quả đầu tư thấp phải chọn những dự án mang hiệu ứng lan tỏa cao.
Một trong những hướng rất tích cực là giải ngân vốn ODA, nếu bố trí thêm nguồn vốn đối ứng của các dự án ODA thì cũng góp phần tạo tổng vốn đầu tư xã hội tốt hơn.
L.Thơ (ghi)