Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng thu hút quốc gia Nam Á về phía mình.


{keywords}
Thủ tướng Trung Quốc thăm Ấn Độ. Ảnh: scmp

Cách đây 2.500 năm, Tôn Tử cho rằng, gọi mọi vật đúng cái tên của nó là điều bắt buộc cần thiết. Nếu mọi vật, mọi điều đều có cái tên thích hợp, ông khẳng định sẽ không còn nỗi lo những quan điểm, ý kiến của con người không được hiểu rõ". Khái niệm "đính chính lại cho chuẩn" thời cổ xưa cũng có thể áp dụng cho thời hiện đại ngày này.

Có một khu vực rộng lớn là nơi diễn ra những hoạt động của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - trải dài từ bờ biển phía tây nước Mỹ đến bờ biển phía đông châu Phi, từ Bắc Cực tới Nam Cực. Cho tới gần đây, cả một vùng lớn ấy vẫn được gọi là khu vực "châu Á - Thái Bình Dương".

Hiện tại, người ta đang chứng kiến một sự thay đổi rất tinh tế và nhạy cảm trong cái tên ấy nhưng lại thể hiện rõ sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ khi mỗi bên tìm cách "ve vãn" Ấn Độ và phần còn lại của Nam Á về phía mình.

Cuối những năm 1980, người Mỹ định nghĩa khu vực "châu Á - Thái Bình Dương" gồm Trung Quốc, Đông Bắc Á nghĩa là Nhật Bản, Hàn Quốc và Viễn Đông Nga; Đông Nam Á, các quốc gia ven biển Đông; Australia và các đảo Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ấn Độ và Nam Á nói chung bị lãng quên.

Ngày nay, dù không phô trương, nhưng khu vực ấy lại xuất hiện với cái tên mới là "Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương". Trọng tâm của sự chú ý giữa các cường quốc đã mở rộng tới Ấn Độ và các quốc gia khác tại Nam Á, cộng thêm cả Ấn Độ Dương chiếm 2/3 vận chuyển dầu mỏ thế giới và 1/3 hàng hóa toàn cầu mỗi năm.

Tư lệnh bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear đã đưa ra cụm từ "Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương" trong một buổi điều trần trước ủy ban quốc hội vào tháng 3.

Dĩ nhiên, người Mỹ không đơn độc sửa lại tên gọi của một khu vực. Tại Australia, với bờ biển phía tây hướng ra Ấn Độ Dương, một cuốn sách trắng quốc phòng xuất bản trong tháng này đã đề cập tới cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" như một khái niệm mới xuất hiện. Nó phản ứng vị thế mới của Ấn Độ như một "người chơi quan trọng về chiến lược, ngoại giao và kinh tế", có can dự nhiều hơn tới các khuôn khổ trong khu vực.

Trung Quốc - nước thể hiện rõ ràng sự phản đối cái mà họ gọi là "nỗ lực kiềm chế phong tỏa", đã nhận thấy sự thay đổi, và tìm cách đối phó. Đó là lý do cho chuyến công du gần đây của ngoại trưởng Ấn Độ tới Bắc Kinh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Ấn Độ.

Cùng lúc đó, dường như các quan chức Mỹ và Australia lại âm thầm đặt ra câu hỏi rằng, liệu Ấn Độ có sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Theo họ, chính khách và tầng lớp quan chức Ấn Độ có vẻ bị mắc kẹt trong những ngày chiến tranh lạnh khi Ấn Độ tuyên bố "không liên kết", theo con đường hòa bình và xa lạ với những vấn đề quan trọng.

Một số nhà phân tích đã đề cập vấn đề mà tờ Economist đưa ra gần đây khi kết luận rằng: Trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc là rõ ràng, thì Ấn Độ vẫn được coi chỉ như sắp là cường quốc và không thể nhất quán.

Thái An (theo scmp)