- Tham gia xây dựng cả chương, cả điều mà không được đưa chữ nào vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ĐBQH Trần Du Lịch cho biết sẽ tiếp tục phát biểu ở hội trường QH về những vấn đề mình tâm huyết.

>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp

{keywords}
ĐBQH Trần Du Lịch: Có những việc của địa phương nhưng ĐB lại đem ra chất vấn bộ trưởng. Ảnh: Minh Thăng

Hôm nay và ngày mai, QH sẽ dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

VietNamNet trò chuyện với ĐBQH Trần Du Lịch, thành viên Ban biên tập dự thảo, người được giao thiết kế một số điều khoản nhằm tăng quyền tự chủ cho địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, tách biệt ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương để “chặt” hoàn toàn cơ chế xin - cho.

Tại phiên họp tổ tuần qua, ông Lịch đã day dứt: “Tôi không đóng góp được chữ nào, tức là không hoàn thành nhiệm vụ, xin lỗi các đồng chí”.

Ông cho biết:

Tôi sẽ phát biểu nhưng còn phải xem đăng ký có được hay không. Tôi là thành viên Ban biên tập, chừng nào vẫn còn đóng góp được thì tôi sẽ còn tiếp tục.

Điều ông quan tâm nhất khi đóng góp ý kiến về Hiến pháp sửa đổi là gì, thưa ông?

Điều tôi tâm tư hiện nay là cải cách bộ máy hành chính bắt đầu từ chỗ cấu trúc lại chính quyền địa phương. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ vấn đề này và đã kiến nghị nhưng trong bản thảo chưa thấy bóng dáng đâu hết. Tôi sẽ tiếp tục phát biểu, bởi đây là yêu cầu thực tế đặt ra bức xúc nhất. Trong điều kiện Việt Nam và thực tiễn hiện nay, tôi cho rằng nên bắt đầu từ điểm mấu chốt là tổ chức chính quyền địa phương. Chúng ta có thể sửa đổi và có thể làm được.

Vấn đề là làm sao chúng ta xử lý được những vấn đề còn tồn tại của bộ máy hành chính hiện nay. Hiện bộ máy đang chồng chéo, trách nhiệm địa phương thì không rõ.

Nền hành chính của ta gồm 3 bộ phận: Thể chế hành chính, bộ máy hành chính và con người (công chức).

Lâu nay chúng ta vẫn tập trung nhiều nhất vào thể chế hành chính, chúng ta có cải cách, có kết quả nhưng chưa đạt được như mong muốn. Vì cái đang vướng nhất chính là bộ máy vận hành.

Chính bộ máy này đặt ra chức trách về công vụ, từ yêu cầu về bộ máy này mới đặt ra yêu cầu về con người.

Như vậy, yêu cầu của tôi là phải sửa bộ máy này làm cơ sở để chúng ta đổi mới chức trách của cán bộ công chức thì mới đồng bộ cải cách hành chính được.

Ông có thể nói rõ bộ máy này đang vướng ở những điểm nào?

Có 3 điểm vướng mắc.

Thứ nhất: Hiện không rõ công vụ nào là công vụ quốc gia do chính quyền trung ương đảm nhận, công vụ nào là trách nhiệm địa phương.

Chúng ta cứ nhìn ra trước Quốc hội là thấy, thật sự có những việc của địa phương nhưng ĐB lại đem ra chất vấn bộ trưởng. Không thể trách các ĐB vì hiện nay các trách nhiệm này không rõ ràng

Thứ hai: Chúng ta xây dựng một nền hành chính thống nhất nhưng không đồng nhất. Nghĩa là nền hành chính ở một tỉnh miền núi thì phải khác với nền hành chính ở tỉnh đồng bằng hay thành phố do đặc thù khác nhau.

Vì vậy, Hiến pháp cần cho người ta những chế định có tính nguyên tắc như vậy thì người ta mới làm luật được.

Thứ ba: Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương phải làm cho rõ ràng ra. Hiện nay bao nhiêu vụ việc xảy ra ở địa phương nhưng trách nhiệm không rõ.

Tôi lấy ví dụ về an toàn thực phẩm. Chúng ta thường chất vấn Bộ trưởng Y tế. Nhưng có bộ nào mà xuống tận phường tận chợ để xử phạt cái việc đó?

Đáng lý ra, hành vi thực thi công vụ là do chính quyền địa phương làm, còn chính quyền trung ương phải thanh tra vụ việc đó thông qua công vụ của chính quyền địa phương, xem anh làm có đúng chức trách không. Còn chính quyền địa phương phải làm trực tiếp.

Ví dụ chỗ này bán hàng gian hàng giả, thì “ông” Trung ương xuống thanh tra công vụ địa phương xem tại sao để xảy ra như vậy, anh địa phương đã làm hết chức trách chưa? Đó gọi là thanh tra công vụ. Nhiệm vụ của Trung ương là đi thanh tra công vụ chứ không phải đi xem từng cái việc đó.

Những cái đó gọi là nguyên tắc tự chủ tự chịu trách nhiệm, nó phải rõ ràng.

Ví dụ khác nữa: Nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì không thể tất cả cơ quan từ phường, xã tới Trung ương cùng làm hết. Cái gì cấp dưới đã làm thì cấp trên không làm lại nữa, cấp trên chỉ kiểm tra giám sát.

Nghị quyết về quản lý kinh tế xã hội thì phường xã cũng ra, tỉnh hay Quốc hội cũng ra. Vậy thực ra thì phường, xã cần làm cụ thể cái gì?

Với một phường ở trung tâm thành phố, nhiệm vụ của anh là không được để người ta lấn chiếm lòng lề đường, không để người ta xây dựng trái phép, không được để người ta tự do đổ rác v.v… chứ không có kinh tế xã hội chung chung gì cả, không có công nghiệp hóa hiện đại hóa gì hết cả.

Tất cả những cái đó phải đưa thành nguyên tắc để sau này luật về chính quyền địa phương sẽ cụ thể ra.

Tôi xin nói lại: việc nào cấp dưới đã làm thì cấp trên không làm, chỉ giám sát, tránh chồng chéo. Đây là cơ sở để tinh giản bộ máy.

Bây giờ họp về tăng lương cho cán bộ công chức phường xã, ta có hơn 10.000 phường xã thì lấy gì để tăng? Đáng lý việc đó là việc của địa phương, do ngân sách địa phương tự chủ chứ không phải chuyện của cấp trên, song trách nhiệm đó giờ không rõ ràng.

Qua nghiên cứu tôi thấy chính quyền ở Đan Mạch tổ chức thành 3 cấp: trung ương, vùng, cơ sở. Họ quy định ngành y tế phải làm gì, Bộ trưởng Y tế phải làm gì. Bộ trưởng Y tế phải ban hành chính sách phát triển y tế quốc gia, đưa ra những chiến lược về y tế. Xuống chính quyền cấp vùng (tỉnh), họ quản lý tất cả các loại bệnh viện. Chính quyền cơ sở sẽ chăm lo y tế dự phòng, chăm sóc bệnh nhân sau xuất viện. Họ quy định rất cụ thể, trong giáo dục cũng vậy.

Tất cả những vướng mắc đó nó khiến bộ máy của chúng ta bị chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng.

Vậy ông kiến nghị sửa đổi Hiến pháp ra sao để giải quyết những vướng mắc này?

Hiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ đưa ra hai điều về chính quyền địa phương để lựa chọn. Một là giữ nguyên như Hiến pháp cũ, hai là quy định đất nước chia làm bao nhiêu đơn vị hành chính, cụ thể các đơn vị để ra luật định rồi… chấm hết! Như vậy thì không thể nói gì, làm gì được.

Phải quy định về nguyên tắc: Chính quyền địa phương là ai, hoạt động như thế nào? HĐND là ai? Rồi nguyên tắc trong nghị quyết của Đảng là tăng tự chủ thì chính quyền địa phương phải làm thế nào?

Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ luật cần làm rõ mô hình chính quyền đô thị phải khác, chính quyền nông thôn phải khác. Hiến pháp phải đưa vào những nguyên tắc, rồi luật sẽ đưa ra các quy định.

Do đó, tôi nhấn mạnh rằng cần đưa một số nguyên tắc vào Hiến pháp để làm luật sau này chứ đưa ra hai điều như trên thì làm sao mà làm được?

Cẩm Quyên