- Nhiều tư liệu do các nước phương Tây và chính Trung Quốc công bố trong hàng trăm năm qua đã chứng tỏ  Trung Quốc không liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

{keywords}
Cựu binh trận chiến tại đảo Gạc Ma 1988 Lê Hữu Thảo

Lễ khai mạc tuần lễ triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” do Bộ Thông tin & Truyền thông cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, diễn ra từ ngày 2 – 8/6  ngày 2/6 tại Hà Tĩnh đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Đây là lần đầu tiên người dân Hà Tĩnh được dịp chứng kiến tận mắt những bằng chứng sinh động, xác thực về chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong đoàn người đến tham quan, có một người đàn ông khá đặc biệt. Anh ghé thăm tất cả các gian trưng bày bản đồ, tư liệu, và đặc biệt là những hình ảnh ghi lại sinh hoạt của bà con nhân dân và các chiến sỹ trên đảo.

{keywords}
Hào hứng trước những bằng chứng không thể tranh cãi đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Anh là Lê Hữu Thảo, cựu binh trận chiến đấu bảo vệ tại đảo Gạc Ma 25 năm về trước.

“Trong tâm thức của tôi luôn nhớ về những hòn đảo thân yêu mà tôi đã từng đi qua, từng chiến đấu. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến những tư liệu quý giá này. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, điều đó không thể chối cãi được”, anh chia sẻ với PV VietNamNet.

Cũng như anh Thảo, đây cũng là lần đầu tiên cô sinh viên ĐH Hà Tĩnh Vũ Thúy Phương được tận mắt chứng kiến những tư liệu, bằng chứng lịch sử quý giá.

“Bọn em đã nghe nhiều, đọc nhiều những tư liệu về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đây là lần đầu tiên được tiếp cận rõ. Những thông tin ở triển lãm này cực kỳ thiết thực, giúp bọn em thêm yêu biển đảo quê hương”, Phương cho biết.

Bài phát biểu của TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người có mặt.

{keywords}
Bản đồ thời Minh Mạng thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

“Những tư liệu này là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được thẩm định khoa học. Đủ để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này”, ông Sơn cho biết.

Ngoài những tư liệu do triều đình nhà Nguyễn ban hành từ thế kỷ 17, triển lãm cũng trưng bày 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố, thông tin tại 102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương tây từ thế kỷ 18-19.

Đáng chú ý là những tấm Atlas do Trung Quốc in từ đầu thế kỷ 20 đều thống nhất lãnh thổ cực nam của TQ giới hạn ở đảo Hải Nam, mà không hề nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

“Những tư liệu đó đã khẳng định rằng Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm. Nhiều tư liệu, bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố trong hàng trăm năm qua đã chứng tỏ Trung Quốc không liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”, TS Sơn nói.

Ông Sơn cũng trích dẫn lời của GS. Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Australia): Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Duy Tuấn