- Lùi thời hạn thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng để thể hiện sự tiếp thu thật chín muồi, thật nghiêm túc của Quốc hội ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là đến tháng 9 mới lấy xong ý kiến.

>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Thảo luận tại phiên họp ngày 5/6 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, một số ĐBQH đề nghị Quốc hội chưa thông qua Hiến pháp sửa đổi trong năm 2013.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho hay, qua hai ngày thảo luận tại Quốc hội có nhiều chế định quan trọng, nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí ngược nhau như các chế định về chính quyền địa phương, về Hôi đồng Hiến pháp, về Viện kiểm sát...

{keywords}

ĐB Phạm Đức Châu. Ảnh: Minh Thăng

Trong khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa sau kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo, điều này khiến ĐB Châu sợ rằng không đủ thời gian để tổng kết, nghiên cứu hội thảo, kết luận những vấn đề lớn. 

Ông đề nghị Quốc hội xem xét, nên rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 6 năm 2013 đưa vào chương trình thông qua Hiến pháp tại kỳ họp thứ 7 đầu năm 2014, vừa đủ thời gian mà thể hiện sự tiếp thu thật chín muồi, thật nghiêm túc của Quốc hội, nhất là đến tháng 9 mới lấy ý kiến nhân dân xong.

ĐB Lê Văn Lai bày tỏ đồng tình khi "nhiều nội dung, nhiều điểm chưa có tiếng nói chung, chưa có sự thống nhất cao mà 500 đại biểu Quốc hội thì không phải chỉ dừng lại trong hội trường này mà là đại biểu của 85 triệu dân".

"Cho nên việc này dẫn tới sự thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, vì những vấn đề hệ trọng, bây giờ nếu chúng ta bàn, chúng ta bấm nút thông qua thì việc đó cũng có thể có kết quả là một bản Hiến pháp mới sẽ ra đời nhưng đây là một nội dung, một vấn đề hết sức hệ trọng.

Tôi đề nghị kéo dài thêm thời gian vật chất cần thiết để cho Hiến pháp này ra đời. Trong chương trình xây dựng luật, tôi đề nghị Hiến pháp nên để kéo dài một thời gian nữa, có thể là 1 năm" - ông Lai phát biểu.

Linh Thư