- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: Có cần phải đi máy bay hạng thương gia, khởi công động thổ gì cũng có mặt?

Tắt bớt điện tại kỳ họp QH

Thảo luận tổ chiều 6/6 về dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), ông Ksor Phước (ĐB Gia Lai) cho rằng, để thực hành tiết kiệm,chống lãng phí nên bắt đầu ngay từ những việc làm cụ thể như tiết kiệm trong việc họp hành, đi lại của các cơ quan nhà nước. “Có cần phải đi máy bay hạng thương gia, khởi công động thổ gì cũng phải có mặt?”, ông đặt câu hỏi.

Ông lấy ví dụ cách tiết kiệm hồi ông còn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. “Bản thân tôi không đi máy bay hạng sang, thứ trưởng không ai dám đi”, ông nói.

{keywords}

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước

Không chỉ là chuyện đi máy bay hạng sang, ngay tại kỳ họp QH lần này, ông cũng khuyến nghị nên tắt bớt điện để tránh lãng phí tiền của.

ĐB Ksor Phước mong muốn khi luật được thông qua thì cần rõ ràng, cụ thể, cán bộ và người dân nhìn vào phải hiểu và thực hiện được, tránh tình trạng không có luật thì thực hiện được còn khi có luật lại rối lên “như tơ vò”.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga (ĐB Thái Nguyên) cũng đưa ví dụ về cách tiết kiệm, chống lãng phí tiền của Nhà nước từ thực tế kỳ họp.

Theo bà, kỳ họp QH này đã thực hiện tiết kiệm bằng cách ghép 3 nội dung thảo luận trong một buổi họp tổ nhưng thực ra lại lãng phí vì thảo luận không đến nơi đến chốn. “Như chuyện khoán xe, nên bắt buộc chứ để tự nguyện, cả trăm người không làm, một hai người làm thì lại thành chuyện đàm tiếu. Cái gì khoán được thì khoán bắt buộc luôn”, bà Nga nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì kể câu chuyện khi còn là Bộ trưởng Văn hóa, ông đã bỏ được thông lệ cứ mít tinh kỷ niệm là tặng quà. “Về văn hóa, như vậy không sang trọng, lịch sự, thậm chí người nhận đôi khi cũng không dùng quà đó. Nhưng những việc đó thực hiện chưa được bao nhiêu và chưa thành quy chế. Tôi thấy, có những thông lệ bỏ được như gắn hoa lên ngực đại biểu trong các hội nghị”, ông Nghị nói.

{keywords}

Bí thư Hà Nội còn cho biết, đã học tập nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là khi tổ chức hội nghị không được gắn hoa.

“Mỗi hội nghị hàng nghìn người, mỗi bông hoa vài nghìn đồng, lãng phí lại ô nhiễm môi trường. Rồi mỗi hội nghị lại bắn pháo xịt Trung Quốc, bám dính vào phông màn sân khấu, rơi xuống người đại biểu... Nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm thì làm được biết bao nhiêu việc có ích cho xã hội, chưa cần nói đến tiết kiệm xăng, xe…”, ông Nghị trăn trở.

Một câu chuyện nữa, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho biết, ở cơ quan, ông tiết kiệm bằng cách yêu cầu nhân viên khi in tài liệu phải tận dụng in 2 mặt.

Đề cập chuyện lãng phí thời gian làm việc trong đội ngũ công chức, ông Đương đánh giá đây là vấn đề lãng phí rất lớn. “Sáng cắp ô đi, tối cắp về, rồi lên cơ quan thì đánh bài… 1/3 công chức hiện nay không sử dụng được. Nếu tôi là người quyết định, tôi đuổi việc hết 1/3 công chức này”, ông nói.

Thiếu chế tài xử lý

Tại buổi thảo luận hôm nay, đa số các đại biểu cho rằng, tính thực thi của dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) rất hạn chế vì không có chế tài xử lý.

“Chúng ta chưa dám nhìn thẳng vào thực tế và chưa điểm đúng huyệt, những hạn chế, yếu kém và bất cập trong quá trình thực hiện luật”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) băn khoăn.

“Luật chưa có tính khả thi, bởi chỉ mới khuyết khích với những nội dung mang tính kêu gọi, vận động chứ chưa có tính chế tài”, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng nói, dù luật này có được thông qua, tính ràng buộc, chế tài là rất thiếu. “Ở các nước, những quy định này rất chặt chẽ, vượt qua quy định nhiều khi phải bỏ tiền túi ra bù. Hội nghị hầu như không có quà cáp, phong bao”, ông Nghị cho biết.

T.Lâm - T.Chung - C.Quyên - Ảnh: L.A.Dũng