- Phải nghiêm cấm việc miệt thị, xúc phạm danh dự người lao động - ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh khi thảo luận tại tổ về dự thảo luật Việc làm chiều 8/6.

"Luật đã quy định về việc xâm phạm thân thể, sức khỏe người lao động, nhưng đây là lĩnh vực khác, không trùng với việc miệt thị, xúc phạm", bà Khánh nói.

ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) kiến nghị cấm cả việc phân biệt đối xử về việc làm với người khuyết tật, người lao động có quá khứ không hay như từng ở trung tâm cai nghiện, giáo dưỡng, ở tù...

{keywords}
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng

Một số ĐB tỏ ý không hài lòng với dự thảo luật Việc làm. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) thấy việc chuẩn bị chưa chu đáo, phạm vi dự luật quá rộng, nội hàm chưa đầy đủ. Trong khi đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng "tinh thần chung của dự luật chưa có gì đổi mới".

"Bộ luật Hình sự và luật Bảo vệ bà mẹ trẻ em đều quy định dưới 16 tuổi là trẻ em, dự luật này lại nói người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, không thống nhất, vênh nhau như vậy thì theo luật nào?" là điểm "có vấn đề" đầu tiên do ông Chu Sơn Hà chỉ ra.

Thứ hai là dự luật chỉ tập trung vào Nhà nước mà chưa đề cập đúng mức đến các thành tố khác trong thị trường lao động và trong trách nhiệm tạo việc làm. "Không chỉ nhà nước mà bộ phận lớn chính là các doanh nghiệp và bản thân người lao động", ông Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nói.

ĐB Mạnh cũng chỉ ra dự luật chưa gắn với việc đào tạo nghề và kiến thức, biểu hiện là tình trạng ngày càng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hiện nay.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) chỉ ra: "Nhiều gia đình khó khăn vẫn cố vay mượn cho con đi học, thế mà học xong về không xin được việc làm". Chỉ ra tuy nguyên nhân chính là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều, nhưng cũng có phần do trường ĐH, CĐ mở ra nhiều mà tuyển sinh không phù hợp với nhu cầu thị trường, ông Niễn đề nghị quy định trong luật cả trách nhiệm của nhà trường.

Về đào tạo nghề, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) lưu ý nên có chính sách ưu tiên cho khu vực nông thôn, đặc biệt vùng nông thôn đang đô thị hóa, nơi nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội trong thanh niên do nạn thất nghiệp.

Dự luật cũng chưa gắn thị trường lao động trong nước với thị trường lao động nước ngoài, ĐB Ngô Đức Mạnh tiếp tục chỉ ra. Về điểm này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói: "Luật cần hướng ngoại, có quy định hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài".

"Nhà nước không làm được nhưng nhiều tổ chức cá nhân đang làm, có thể họ làm chui, nhưng họ đang giàu lên thực sự", bà Khánh chỉ ra.

Để tránh tình trạng nhiều trung tâm giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động có sai phạm, lừa đảo người lao động, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) kiến nghị luật quy định một cơ quan chuyên ngành quản lý thống nhất vấn đề này, không để phân tán trách nhiệm như hiện nay.

ĐB Hoàn cũng cho rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện còn nhiều bất cập về quy trình, thủ tục, chính sách chỉ trả còn rườm rà, đồng thời còn những kẽ hở mà không phải không có hiện tượng người lao động lợi dụng chính sách.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), luật cần hướng đến xây dựng môi trường lao động có chất lượng, chứ không dừng lại ở việc mãi "chạy theo" các chính sách hỗ trợ người lao động.

T. Chung - C.Quyên - T.Lâm - Ảnh: Lê Anh Dũng