Chưa ký có thể đổi phiếu
Trước khi tiến hành bỏ phiếu vào cuối phiên họp, Quốc hội đãbầu một ban kiểm phiếu gồm 29 ĐB do ông Đỗ Văn Chiến (ĐBQH tỉnh Yên Bái) làm Trưởng ban.
Phiếu đánh giá tín nhiệm được chia làm 10 loại theo chức vụ,nhóm chức vụ trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm, in màu giấy khác nhau, ghi rõ họ tên, chức vụ từng người, kèm theo các ô tương ứng với 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các vị ĐBQH bỏ phiếu. Ảnh Lê Anh Dũng. |
10 loại phiếu gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Các phiếu đều có đóng dấu của Quốc hội. Các trường hợp phiếu không hợp lệ bao gồm: phiếu không theo mẫu, không có dấu; phiếu đánh dấu 2 trở lên hoặc không đánh dấu cho mỗi chức danh; phiếu có viết thêm các nội dung khác hoặc ghi thêm tên ngoài danh sách.
Ông Đỗ Văn Chiến lưu ý, do phiếu ghi tên các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ quá dài, in cả hai mặt giấy, các ĐB được lưu ý để “không bỏ sót”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì nhắc các ĐB "bình tĩnh và không cần câu nệ thời gian". Các ĐB có thể đổi phiếu nếu chưa ký.
Tham gia dự thính phiên bỏ phiếu chiều nay có chủ tịch, phóchủ tịch, thường trực HĐND 63 tỉnh, thành. Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây là cơ hội để họ học hỏi kinh nghiệm cho bước lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các địa phương tới đây.
Theo quy trình, kết quả kiểm phiếu sẽ được công khai và Quốchội dự kiến sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong phiên họp sáng mai 11/6.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Đây là lần đầuthực hiện lấy phiếu tín nhiệm, nên không tránh khỏi hạn chế, sẽ rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến xác đáng”.
Ông cũng nói vui, với ban kiểm phiếu gồm 29 đại biểu, các vị này sẽ có “một đêm vất vả”.
Lấy phiếu ông Vương Đình Huệ ở tổ chức Đảng
Trước đó, đầu giờ phiên họp, trong phần tổng kết thảo luận tại đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã giải trình việc không bổ sung ba ông Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Hữu Vạn vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội không lấy phiếu đối với các chức danh vừa được bầu. |
Tại thảo luận sáng nay, một số ý kiến ĐB đã đề nghị bổ sung ba ông Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Hữu Vạn vào danh sách đánh giá tín nhiệm.
Tuy nhiên, như giải trình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ông Vương Đình Huệ vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính để đảm nhiệm nhiệm vụ khác. Như vậy ông Huệ có đủ thời gian nhưng không còn là chức danh để tiến hành lấy phiếu.
Theo đó, ông Vương Đình Huệ sẽ được lấy phiếu ở một tổ chức của Đảng.
Tương tự, ông Đinh Tiến Dũng vừa được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Đinh Tiến Dũng có thời gian làm Tổng Kiểm toán Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ, được hơn 1 năm, nhưng chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính mới làm mấy ngày.
Theo Nghị quyết 35 là lấy phiếu tín nhiệm với chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính nên ông Đinh Tiến Dũng chưa đủ thời gian.
Ông Nguyễn Hữu Vạn cũng vừa được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước vài tuần, không đủ thời gian để đánh giá tín nhiệm với chức danh Tổng Kiểm toán.
"Không thể đem thời gian của ông Đinh Tiến Dũng và chức danh của ông Nguyễn Hữu Vạn cộng vào để bỏ phiếu chia đôi được", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
- Chung Hoàng