- Chỉ trong 1 tuần qua 7 vụ cháy nổ xảy ra không khỏi khiến ĐBQH sốt ruột, nhất là khi phương tiện chuyên dụng sắm yếu kém cả về số lượng lẫn năng lực.
Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội sáng 12/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC), ĐB Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ mối lo ngại lớn về các trang thiết bị PCCC hiện nay.
Theo đánh giá của ĐB, trang bị cho PCCC hiện yếu kém cả về số lượng lẫn năng lực. Vị ĐB dẫn chứng số liệu, trong 900 xe chữa cháy hiện có thì 20% xe cũ, 20% xe ở mức độ trung bình, còn lại là khá, nhưng chưa có xe tốt, đáp ứng trong điều kiện cháy lớn.
Ảnh: Minh Thăng |
Đề cập thực trạng PCCC, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu mối lo chỉ trong vòng 1 tuần qua, thống kê chưa đầy đủ đã có 7 vụ cháy nổ tại các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành yếu cầu về PCCC chưa cao.
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhận định đầy sốt ruột: “cháy nổ đang thách thức Quốc hội khóa 13. Đó là bối cảnh thực tế để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này sau 10 năm thực hiện”.
Đề cập luật, một thực trạng được ĐB phản ánh đó là trong khi thực tế đang bức thiết nhưng luật nếu sửa đổi xong cũng phải đến tháng 7/2014 mới thông qua.
"Làm luật đủng đỉnh như vậy thì không đáp ứng được. Quốc hội cần tập trung các nguồn lực để có thể sớm ban hành, thông qua để luật đi vào cuộc sống" - ông Phúc đề nghị.
ĐB đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi lần này nên tập trung vào 3 nội dung chính: Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình; Quan tâm xây dựng các lực lượng PCCC, nhất là các lực lượng chuyên trách, lực lượng này rất quan trọng trong điều kiện đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ ba là cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị về PCCC.
Đề cập chi tiết, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng ho rằng luật cần làm rõ quy định thế nào là nhà thấp tầng, nhà cao tầng, siêu cao tầng để đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác PCCC. Các chung cư, nhà ghép trước đây (xây dựng trước khi Luật PCCC ra đời) cũng cần có phương án để xử lý, đáp ứng được nhu cầu.
Các ĐB cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về khoảng cách giữa các cây xăng với nhà dân, tránh nguy cơ cháy nổ có thể đe dọa đến tính mạng con người mà vụ cháy cây xăng ở Hà Nội vừa qua là ví dụ điển hình. Sau khi đã có quy định thì cần giám sát việc thực hiện cho hiệu quả.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, để PCCC không thể “đơn độc”, chỉ có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mà cần có sự tham gia của các bộ ngành phối hợp.
Cẩm Quyên