Có hai Naoto Kan sống trong trí tưởng tượng của người Nhật, một là vị bộ trưởng y tế của những năm 1990 và vị thủ tướng không gây được ấn tượng thời hiện tại.


Thủ tướng Nhật trong cuộc họp báo sau hai ngày xảy ra thảm họa Ảnh: AP

Một là vị bộ trưởng y tế của những năm 1990, nổi tiếng với tính cách trung thực, thẳng thắn, đã đứng ra thay mặt chính phủ nhận lỗi về sự kiện lan truyền máu nhiễm HIV. Vào thời điểm đó, đây có thể coi là một hành động chưa có tiền lệ trong chính giới Nhật Bản, được truyền thông cũng như công luận đặc biệt hoan nghênh.

Hình ảnh khác là vị thủ tướng không gây được ấn tượng thời hiện tại, người chèo lái một chính quyền lung lay khi sự tín nhiệm xuống dưới 20%.

Và, thảm họa sóng thần cùng với cuộc khủng hoảng hạt nhân mà nước Nhật đang đối mặt sẽ là thách thức cũng như cơ hội của ông Kan, có thể tái sinh hay phá vỡ sự nghiệp của ông, chính phủ của ông.

Trong sáng thứ Ba, ông tuyên bố đích thân đảm nhận việc kiểm soát quản lý khủng hoảng tại Công ty điện Tokyo – nhà điều hành một nhà máy điện hạt nhân đã xuất hiện các vụ nổ sau cơn địa chấn hủy diệt. Trong cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Công ty điện lực Tokyo, ông Kan đã phê bình nghiêm khắc cách thức mà công ty này giải quyết vấn đề. Ông nói rằng, khi một vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng số 1 hôm 12/3, ông đã theo dõi các bản tin trên truyền hình, Văn phòng của Thủ tướng không hề nhận được thông báo trong khoảng một giờ. Ông đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm phối hợp với Công ty điện Tokyo để đối phó tốt hơn với tình hình và khẳng định sẽ đứng đầu nhóm đặc nhiệm này.

Với thực tế là hầu như các vấn đề hạt nhân thường được che đậy, thì hành động của ông Kan cùng với những thông tin cập nhật thường xuyên của chính phủ đã chứng tỏ sự sẵn sàng đối phó thảm họa và tinh thần trách nhiệm trước dân chúng hơn hẳn các chính quyền trước..

"Nguy cơ phóng xạ vẫn còn rất cao”, vị thủ tướng 64 tuổi nói trong một tuyên bố phát trên truyền hình hôm nay. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn các vụ nổ khác cũng như rò rỉ phóng xạ”.

Phản ứng của ông với trận động đất, sóng thần hủy diệt hôm thứ Sáu, rồi cuộc khủng hoảng hạt nhân sau đó đã thấp thoáng gợi lại những cảm xúc, sự mạnh mẽ trong những năm đầu bắt đầu sự nghiệp khi ông Kan còn là một nhà hoạt động môi trường, một bộ trưởng y tế. Sự mạnh mẽ ấy đã thay thế cho những thoái thác, chậm trễ của chính quyền mà người Nhật đã trở nên quen thuộc.

"Tôi hứa sẽ mạo hiểm cuộc sống của mình cho công việc này”, ông Kan nói đầy cảm xúc trên truyền hình sau khi đi khảo sát thảm họa trên một chiếc trực thăng.

Cùng với các chuyến đi tới vùng thảm họa, những cuộc họp nửa đêm với báo chí, nhiều hành động cụ thể đã đánh dấu sự thay đổi của một vị lãnh đạo kín tiếng, thận trọng đến chậm trễ. Ông Kan nhanh chóng điều động quân đội tham gia nỗ lực cứu hộ. Ông mạnh tay mở cửa nhận hỗ trợ từ nước ngoài, kể cả của Hàn Quốc và Trung Quốc – sự thay đổi lớn so với các chính phủ trước khi họ luôn cho rằng điều này không cần thiết. Ông cử người phát ngôn hàng đầu của mình để tiếp xúc với báo chí cả ngày lẫn đêm về cuộck hủng hoảng hạt nhân cho dù đôi khi thông điệp đưa ra khá lúng túng, với những gì thừa nhận về một tình hình rất phức tạp.

Người ta nhớ lại hình ảnh của Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York – người đã tập hợp và hồi sinh cả thành phố của mình sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Và tại Nhật, một đất nước không biết nhiều tới các vị lãnh đạo mạnh mẽ, đó là dấu hiệu của sự thay đổi.

Một chính phủ trước đó đã không phản ứng dứt khoát sau cơn địa chấn 1995 tại Kobe làm 6.400 người tử nạn. Hàng hóa viện trợ từ nước ngoài chất đống trong kho. Việc cung cấp nhu yếu phẩm khẩn cấp chậm trễ, những người sống sót chịu cảnh đói khát.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một phong cách mới trong xử lý khủng hoảng của Nhật”, Thomas Berger, một chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Boston cho biết. Ông đã ở Kobe trước trận động đất năm 1995 và nhấn mạnh rằng, sự đối lập giữa hai thảm họa khi đó và hiện tại là rất lớn.

Phản ứng của ông Kan tạo ra cả nguy cơ lẫn cơ hội.

Nếu ông xử lý trọng trách cứu hộ, tìm kiếm và cứu trợ sau thảm họa một cách suôn sẻ và kiểm soát được cuộc khủng hoảng hạt nhân, ông có thể được tôn vinh như một anh hùng. Nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu thất bại đầu tiên, những đối thủ chính trị của ông sẽ không bỏ qua cơ hội tấn công ông.

Nhưng, cho dù thế nào đi nữa, đó vẫn là cách của ông Kan trong xử lý khủng hoảng.

Kan trở nên nổi tiếng ở Nhật vào năm 1996, một năm sau cơn địa chấn Kobe – khi ở cương vị bộ trưởng y tế, ông đã lôi ra ánh sáng vụ bê bối mà chính phủ cố tình giấu nhẹm, liên quan đến các sản phẩm máu nhiễm HIV, khiến hàng nghìn bệnh nhân truyền máu nhiễm loại virus chết người này. Và, Kan lập tức trở thành một người hùng, một chính khách hàng đầu được người dân trông đợi sẽ trở thành thủ tướng.

Tuy nhiên, sau đó, ông lại dính líu vào những vụ bê bối tình cảm và quỹ lương hưu cho dù đã được minh oan sau đó. Tuy vậy, sự nghiệp chính trị của ông chỉ thực sự bước sang chương mới khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản vào năm ngoái, đưa chủ tịch đảng DPJ Hatoyama lên giữ chức thủ tướng. Ông Kan được bổ nhiệm là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính, đồng thời giữ một số chức vụ quan trọng khác trong nội các của chính phủ mới.

Sau hơn 8 tháng nắm quyền, chính quyền Hatoyama đã không đáp ứng được kì vọng của dân chúng về cả vấn đề phục hồi kinh tế lẫn việc di dời căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Naoto Kan, người duy nhất của DPJ còn khả dĩ xoay chuyển tình hình. Ông được coi là hi vọng cuối cùng của cho sự thay đổi của cả nền kinh tế và chính trị Nhật Bản sau một thời gian quá dài trì trệ trong bóng tối. Ông trở thành thủ tướng nước Nhật tháng 6 năm trước.

Những ngày trước thảm họa, chính phủ của ông gặp quá nhiều bất ổn, và tiếp tục bị giáng những đòn nặng nề bởi bê bối nhận tiền quyên góp chính trị từ người nước ngoài (luật pháp Nhật nghiêm cấm điều này). Ngoại trưởng Nhật mất chức, bản thân ông Kan cũng bị chỉ trích hay yêu cầu từ chức.

Động đất, sóng thần xuất hiện. Giờ đây, những bê bối mới xảy ra được tạm quên, tạo cho ông cơ hội để chứng tỏ mình.

Không có cuộc thăm dò nào tiến hành kể từ khi thảm họa.

Nếu cách Kan xử lý thảm họa có thể củng cố vị trí cho ông, thì ở đây sẽ còn có những tác động lớn hơn với tương lai Nhật Bản. Đầu năm nay, ông đã đưa ra một kế hoạch cải tổ tham vọng để đưa Nhật thoát khỏi tình trạng bất ổn về kinh tế. Kế hoạch ấy bị xói mòn vì những đấu đá chính trị. Thành công trong quản lý thảm họa có thể mang lại cho ông động lực mà ông cần tới để thúc đẩy tầm nhìn của ông về sự thay đổi.

Với Berger của Đại học Boston, phản ứng thảm họa của ông Kan là một dấu hiệu cho thấy, sự thay đổi đang diễn ra ở Nhật Bản – mặc dù chậm.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)