Cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật đang gia tăng những quan ngại về điện hạt nhân, Thủ tướng Angela Merkel vừa quyết định sẽ tạm thời đóng cửa bảy nhà máy điện hạt nhân ở Đức hoạt động từ cuối 1980. Đây là động thái bắt đầu cho một chiến dịch xem xét an toàn kéo dài ba tháng, áp dụng với toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân tại Đức.

Lò phản ứng hạt nhân số 3 tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bốc cháy sau một vụ nổ. Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 14/3 Ảnh: Reuters

Trong lúc đó, các bộ trưởng năng lượng châu Âu đã có cuộc gặp ở Brussels cân nhắc việc giới thiệu các biện pháp kiểm tra chặt chẽ để tính toán khả năng toàn bộ 143 nhà máy hạt nhân của khối sẽ phản ứng thế nào trong các trường hợp khẩn cấp. Theo Olivier Bailly, một phát ngôn viên của Uỷ ban Liên minh châu Âu thì, những thủ tục xây dựng cũng có thể được xem xét lại.

Chúng ta thực sự cần có một cách nhìn tốt hơn về các hoạt động ở châu Âu”, Beilly nói khi các bộ trưởng năng lượng nhóm họp. An toàn hạt nhân cũng sẽ được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh G20, dự kiến tổ chức ở Pháp vào cuối tháng này.

Bà Merkel cho hay, động thái đóng cửa tại Đức dựa trên một sắc lệnh của chính phủ. Đức là một trong số các nước châu Âu đầu tiên ngừng hoạt động một số nhà máy điện hạt nhân trong phản ứng với thảm họa hạt nhân ở Nhật. Bà Merkel đưa ra quyết định trên sau khi tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các lãnh đạo 16 bang của Đức. Việc đóng cửa bảy nhà máy có nghĩa là, Đức sẽ phải tăng cường phát triển nguồn năng lượng thay thế có thể phục hồi như phong điện, năng lượng mặt trời.

Hiện chưa rõ là bảy nhà máy có tiếp tục đóng cửa sau khi giai đoạn xem xét an toàn kéo dài ba tháng chấm dứt hay không, Bộ trưởng Môi trường Norbert Röttgen nói với báo chí sau cuộc họp. Hôm thứ hai, Thụy Sĩ đã tuyên bố sẽ xem xét lại mức an toàn của các lò phản ứng hạt nhân và có khả năng giảm bớt sự phụ thuộc vào chúng.

Doris Leuthard, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ cho hay, nước này sẽ tạm ngừng các kế hoạch xây dựng và thay thế nhà máy hạt nhân. Bà nhấn mạnh, không một dự án mới nào được cấp phép cho tới khi các chuyên gia đánh giá lại mọi chuẩn an toàn và báo cáo phản hồi. Các kết luận của chuyên gia sẽ được áp dụng cho những nhà máy hiện tại cũng như các dự án đề xuất. Thụy Sĩ gần đây đã chấp thuận ba địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Đức sẽ ngừng “gia hạn các quyết định gần đây về thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân”, Thủ tướng Đức nói với báo chí ở Berlin. “Đây là thời kỳ tạm ngừng và sẽ kéo dài trong ba tháng”. Bà khẳng định, động thái này sẽ cho phép cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về các chuẩn an toàn với 17 nhà máy điện hạt nhân của Đức. Bà Merkel còn cảnh báo, thậm chí khi ba tháng kết thúc, tình hình không chắc sẽ trở lại như trước khi áp dụng quyết định ngừng hoạt động.

Ở khắp châu Âu, các quan chức đều lo lắng về việc sử dụng điện hạt nhân của châu lục khi hệ thống làm mát tại lò phản ứng thứ ba của Nhật bị hư hỏng và Tokyo đang phải vật lộn khó khăn để cố kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân.

EU đã kêu gọi một cuộc họp với các cơ quan an toàn hạt nhân và nhà điều hành để đánh giá khả năng cứng phó của châu Âu. Bộ trưởng Môi trường Áo, Nikolaus Berlakovich, yêu cầu EU kiểm tra nghiêm túc để đánh giá “các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta sẽ chống chọi thế nào nếu xảy ra động đất”.

Tại Đức, liên minh trung hữu của bà Merkel sẽ đối mặt với cuộc bầu cử khu vực quan trọng trong tháng này, động thái ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân dường như là nỗ lực xoa dịu phản ứng của các nhà vận động chống hạt nhân và giúp cho liên minh “tạm nghỉ ngơi” trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về năng lượng hạt nhân.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã yêu cầu một cuộc phân tích rủi ro với hệ thống nhà máy hạt nhân của nước này, đặc biệt là hệ thống làm mát. Ông là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, vốn ủng hộ mạnh mẽ điện hạt nhân.

Một chính phủ trước, dẫn đầu là đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh, trong năm 2001 đã thông qua luật pháp thúc đẩy việc đóng cửa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân của Đức và năm 2021. Tuy nhiên, chính phủ trung hữu của bà Merkel đã đảo ngược tình thế vào năm ngoái và bỏ phiếu để mở rộng “tuổi thọ” của các nhà máy này ở mức trung bình 12 năm.

Năng lượng hạt nhân cung cấp 11% nguồn cung năng lượng của Đức nhưng đóng góp vào sản lượng điện vào khoảng 26%.

Tại Thụy Sĩ, việc đình chỉ các kế hoạch xây dựng và thay thế nhà máy sẽ tác động đến toàn bộ “việc cấp phép để thay thế hạt nhân cho tới khi các chuẩn an toàn được xem xét cẩn thận và thay đổi nếu cần thiết”, bà Leuthard, bộ trưởng Năng lượng tuyên bố.

Thụy Sĩ có năm lò phản ứng hạt nhân, cung cấp khoảng 40% nhu cầu năng lượng của nước này. Bà Leuthard nhấn mạnh đã yêu cầu cơ quan Thanh tra An toàn hạt nhân Liên bang phân tích nguyên nhân chính xác gây ra các vấn đề ở Nhật và sẽ đưa ra các chuẩn an toàn mới, chặt chẽ hơn nếu cần “đặc biệt là trong chuẩn an toàn địa chấn và làm mát”.

Tại Nga, Thủ tướng Vladimir V. Putin tuyên bố, chính phủ của ông sẽ không xem xét lại chương trình xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nhưng sẽ “đúc rút các kết luận từ những gì đang diễn ra ở Nhật”. Điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 16% điện của Nga.

  • Thái An (Theo Nytimes)