- Giống như năm 2009 , Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về điểm số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tụt hạng.
Sức ép đứng đầu bảng
Sáng nay, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI và USAID đã công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2010.
Đà Nẵng (69,39 điểm) tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về điểm số PCI. Theo sau là Lào Cai, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đứng cuối bảng là Đăk Nông.
Lãnh đạo VCCI trao chứng nhận cho các tỉnh xếp hạng cao. Ảnh: Lê Nhung
Bình Dương, địa phương đã từng hai năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng thì năm nay đã rớt xuống vị trí thứ 5 và rời khỏi nhóm được xếp hạng Tốt nhất.
Hai đầu tàu kinh tế đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rớt hạng. Theo đó, Hà Nội được xem là nơi DN khó tiếp cận đất đai nhất so với cả nước.
Thủ đô của cả nước được nhóm nghiên cứu xếp vị trí thứ 43 trong số 63 tỉnh thành (tụt 10 bậc so với năm ngoái). TP HCM xếp hạng 23 (tụt 7 bậc so với năm ngoái).
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI, trưởng nhóm nghiên cứu thì đáng buồn nhất là số lượng doanh nghiệp được xếp hạng rất tốt giảm tử 6 của năm 2009 xuống 3. Địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng cũng giảm đến 6,09 điểm (trên thang điểm 100) so với năm ngoái.
Đáng chú ý nhất là Bình Dương, sau 3 năm dẫn đầu và 2 năm có mặt trong TOP 3, thì năm nay, lần đầu tiên rơi xuống vị trí thứ 5.
Ông Huỳnh cho hay, nhóm nghiên cứu đã từng cảnh báo với Bình Dương về khả năng tụt hạng nếu địa phương này không chuẩn bị chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh khi đón nhận ồ ạt làn sóng đầu tư.
"Chúng tôi đã cảnh báo rằng nếu họ không giải quyết tốt các vấn đề về gia tăng lao động, môi trường, áp lực đô thị hóa thì có thể sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm", ông Huỳnh cho hay.
Đây cũng là bài học mà Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm để tránh. Bởi, theo ông Huỳnh, các tỉnh xếp hạng gần cuối bảng dễ có khả năng vươn lên hơn so với các tỉnh đứng đầu. Bài học cho các địa phương đứng top trên bảng xếp hạng đó là tiến trình cải cách phải được duy trì, cải cách với chất lượng cao hơn, đặc biệt tăng cường hơn nữa tính minh bạch và khả năng sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư lớn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Edmund Malesky cho rằng, điểm tụt hạng của Bình Dương cũng chính là trở ngại mà DN nhiều nơi khác kêu ca, là khả năng khó khăn về tiếp cận đất đai. Ngoài ra, DN trên địa bàn cũng phàn nàn về khả năng thiếu minh bạch khi tiếp cận thông tin. Bình Dương cũng giảm điểm về tính năng động.
Mặc dù ba năm liên tiếp giữ ngôi quán quân, song Đà Nẵng hiện cũng đang gặp phải những khó khăn như Bình Dương đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, thị trường lao động ngày càng lớn. Đà Nẵng cũng đang bị sụt giảm điểm đánh giá về tiếp cận đất đai.
Nhận xét chung về tính năng động của các tỉnh, ông Đậu Anh Tuấn (thành viên nhóm nghiên cứu) khẳng định các tỉnh ở bảng xếp hạng cao rất cởi mở và quan tâm đến việc khắc phục các điểm tồn tại, trong khi lãnh đạo các tỉnh trong nhóm thấp chưa thực sự năng động.
Lót tay việc mới chạy
Một trong các tiêu chí quan trọng để xếp hạng là tính minh bạch, song nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều con số cho thấy DN vẫn phải "lót tay" và bôi trơn thì việc mới chạy.
78,6% DN cho biết họ cần phải có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin (tăng 17% so với năm ngoái). Khả năng tiếp cận văn bản, kế hoạch, quy hoạch giảm thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
TS Edmund Malesky phân tích, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, song tình trạng này chưa được cải thiện. Có đến 20% doanh nghiệp FDI cho hay đã phải trả các chi phí không chính thức để có giấy phép đầu tư. 70% khẳng định phải lót tay để thông quan hàng hóa.
40% doanh nghiệp cho biết họ đã phải trả hoa hồng để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước, dấu hiệu về nạn nhũng nhiễu.
Tỷ lệ doanh nghiệp từng tham gia góp ý kiến về chính sách quy định của nhà nước đã giảm xuống 22,37% so với năm ngoái. Gần 4/5 doanh nghiệp chưa từng tham gia đóng góp ý kiến quy định, chính sách của nhà nước.
Kết quả nghiên cứu của VCCI chứng tỏ, tham nhũng ở quy mô lớn có xu hướng phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các hợp đồng của cơ quan nhà nước.
Bà Virgnia Noote, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, cần cải thiện tình trạng DN phải lót tay cho các hoạt động kinh doanh.
Bà cũng "hiến kế", cần khảo sát thêm ý kiến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự kiến đầu tư ở Việt Nam nhưng sau khi tìm hiều xong thủ tục lại rút lui. Đó sẽ là một kênh thông tin hữu ích cho nhóm nghiên cứu để hiểu về những tồn tại.
-
Lê Nhung