- Quốc hội đề nghị Bộ trưởng khắc phục bất cập trong quản lý xuất khẩu lao động, nhất là xuất khẩu lao động chui của các công ty làm mất hình ảnh không chỉ của lao động mà cả hình ảnh đất nước.

Chốt phiên chất vấn của Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sáng 14/6, Chủ tịch Quốc hội đặt ra 4 vấn đề trọng tâm, trong đó có quản lý xuất khẩu lao động.

Xuất khẩu phải chất lượng

Nhấn mạnh chủ trương xuất khẩu lao động nhằm giảm nghèo, tạo thu nhập, rèn luyện kỹ năng lao động trở về làm công nghiệp hóa đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay đến nay không thiếu quy định pháp luât được ban hành thực hiện chủ trương này, từ cấp quản lý Nhà nước, hợp tác quốc tế cho đến doanh nghiệp. Song thực tế "có rất nhiều bất cập".

Ông cho hay, dù chủ trương xuất khẩu lao động bản chất mang tính thời vụ, ngắn hạn, nhưng trong điều kiện đất nước đang phát triển, ngành nghề thiếu lao động thì con đường xuất khẩu lao động để giải quyết đời sống, thu nhập, tranh thủ đào tạo nghề vẫn phải làm dài lâu. Do đó phải khắc phục những thực trạng để đảm bảo xuất khẩu lao động "chất lượng".

{keywords}
ĐBQH nghe chất vấn. Ảnh: Minh Thăng

 

Trọng tâm ông nhấn mạnh đó là quản lý các công ty xuất khẩu lao động hiện đang mở ra khá nhiều. "Phải quản lý cho được xuất khẩu lao động chui, tìm cách móc ngoặc visa, đưa lao động đi sang bên kia để rồi mất hình ảnh không chỉ lao động, mà cả hình ảnh đất nước. Phải rà soát lại các công ty này" - ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh "đào tạo trước xuất khẩu". 4 điểm phải chú trọng là kỹ năng nghề, tiếng , văn hóa, pháp luật nước sở tại.

"4 điểm này không làm tốt thì xuất khẩu lao động thất bại. Nghề phải tốt, tiếng, văn hóa, pháp luật nước bạn phải biết. Đào tạo này không thể không làm cho tốt. Không làm tốt thì không thể có chất lượng xuất khẩu lao động tốt" - ông nêu rõ.

Bên cạnh đó phải tổ chức lại quản lý lao động ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay mới chỉ xuất khẩu được 500 nghìn lao động trong khi mục tiêu đề ra con số 1 triệu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mọi ưu tiên, định hướng đã có, việc phải làm là "thực hiện tốt". Đặc biệt phải chú trọng đối tượng người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số với ưu tiên chú trọng đào tạo, chuẩn bị lâu hơn, tốt hơn, lựa chọn đi các nước thu nhập tốt hơn.

Tiếp tục tăng lương tối thiểu

Trước đó, đầu giờ sáng, Bộ trưởng Lao động tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH. ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) hai lần hỏi Bộ trưởng xác nhận về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1/1/2014 điều chỉnh có tính đến quy luật cung cầu, cả từ phía doanh nghiệp và lao động không?

Bộ trưởng Chuyền khẳng định trong năm nay sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu. Bộ đã phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cơ quan đại diện sử dụng lao động là VCCI chuẩn bị xây dựng trình Chính phủ mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định sẽ thông báo quyết định này đến doanh nghiệp trước 60 ngày.

{keywords}
Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội: Doanh nghiệp khó có thể vượt được, lao động lương thấp quá không có sức để làm. Ảnh: Minh Thăng

 

" Sẽ quyết định trong năm 2013, để 2014 doanh nghiệp không ảnh hưởng (chuẩn bị đưa vào kế hoạch tài chính của doanh nghiệp - PV)" - bà cho hay.

Giải trình về mức lương tối thiểu vùng, trong phiên chất vấn chiều 13/6, Bộ trưởng Chuyền cho hay, khi ban hành mức lương tối thiểu theo 4 vùng, mức cao nhất trên 2 triệu có hai loại ý kiến. Loại ý kiến đồng ý vì đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Loại ý kiến không đồng ý vì cho rằng "không biết chia sẻ với doanh nghiệp, trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại đưa nâng lương tối thiểu làm cho doanh nghiệp khó khăn".

Bà cho hay, về cơ quan làm chính sách, Bộ thấy "rất cần" lộ trình quy định 4 vùng để nâng lương tối thiểu.

"Cái đó là cần và phù hợp. Tôi nghĩ người lao động trên cơ sở đó cũng chia sẻ cho doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ. Nếu doanh nghiệp không có người lao động sẽ không phát triển được. Tôi thấy các đồng chí có khó khăn nhưng có thể vượt được, nhưng người lao động không có đồng lương tối thiểu, lương tối thiểu quá thấp thì người ta không có sức làm cho doanh nghiệp" - bà nói.

Tuy nhiên, bà khẳng định mọi điều chỉnh đều phải tính tới quyền lợi của người lao động và trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Linh Thư