- Dành hai mươi phút để trình bày các số liệu về tình hình kinh tế, xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã nhận được các chất vấn xoay quanh những lĩnh vực quen thuộc mà ông phụ trách như cải cách hành chính, phòng chống tội phạm...
Chống tham nhũng: Chủ yếu xây dựng thể chế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng QH Lê Như Tiến |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng QH Lê Như Tiến đặt vấn đề: "Là người được giao chỉ đạo lĩnh vực nội chính, an ninh, phòng chống tội phạm... toàn các lĩnh vực nóng, và hiện giờ cũng đang ngồi trên ghế nóng, vậy với trách nhiệm cá nhân, ông đã chỉ đạo và đề ra ý tưởng hay đột phá gì để xử lý các vụ việc, nhất là những vụ án tồn đọng nhiều năm nay mà cử tri cho là tồn kho giải pháp, nợ đọng trách nhiệm?".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời vắn tắt, công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo đã được thực hiện đồng bộ.
Về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đã được ban hành, với mục tiêu là tăng cường ngăn ngừa, thanh tra phát hiện để xử lý nghiêm tội phạm.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, một phần do công tác thông tin tuyên truyền chưa được làm đến nơi đến chốn. Do vậy, thời gian tới công tác tuyên truyền cần phải được tăng cường hơn nữa.
ĐBQH Lê Như Tiến lại tiếp tục truy: "Chính phủ hiện đã đi được nửa chặng đường của nhiệm kỳ, vậy ở đây xin hỏi về vấn đề trách nhiệm cá nhân, bởi bản chất của chất vấn là xác định trách nhiệm cá nhân. Xin Phó Thủ tướng sử dụng từ tôi thay cho từ chúng ta để không làm mờ nhòe trách nhiệm cá nhân. Xin hỏi ông từ khi nhận công việc, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo đưa ra ánh sáng bao vụ tham nhũng, chỉ đạo xử lý bao nhiêu vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, bao nhiêu vụ việc nóng, nhạy cảm. Bài học nào với ông là tâm đắc nhất, sâu sắc nhất, kể cả bài học thành công hay không?"
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Không còn nhìn vào tập tài liệu sẵn trong tay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời, "trong Chính phủ, tôi được phân công một số lĩnh vực về nội chính".
Ông Phúc giải thích, về phòng chống tham nhũng, trước năm 2011, Thủ tướng là Trưởng ban, ông Phúc là Phó ban thì đã tiến hành chỉ đạo rất quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Chủ yếu là xây dựng thể chế, đôn đốc kiểm tra và cũng đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm một cách cương quyết, đúng pháp luật.
Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cũng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Chính phủ đã xử lý quyết liệt, kết quả là giảm đáng kế số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo. "Như vậy là cả trong phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo đều có chuyển biến", ông Phúc cho hay.
"Còn bài học rút ra, như ĐB hỏi, tức là bài học tâm huyết, trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước những vấn đề mình quyết định, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng những vấn đề mình được phân công để đôn đốc, kiểm tra, xử lý các lĩnh vực được phân công", ông Phúc chốt lại.
Quy hoạch cây xăng giữa khu dân cư
Liên quan đến hàng loạt vụ cháy nổ tại các cây xăng gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần xác định trách nhiệm về tình trạng tồn tại hàng ngàn cây xăng đặt giữa khu dân cư, nhất là giữa thủ đô.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Ông Phúc thừa nhận, quả thật có tình trạng rất nhiều trạm xăng dầu nằm giữa lòng thành phố. "Phải quy hoạch lại hệ thống cửa hàng này, xem xét các điều kiện kinh doanh cụ thể, đặc biệt với những cây xăng nằm sát khu dân cư, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi người dân", ông Phúc nói.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy để mọi người dân đều chủ động khi xảy ra tình huống và cũng để ngăn ngừa cháy nổ. Với lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, cần tính toán để trang bị đầy đủ phương tiện.
Trước đó, ĐBQH Lê Thị Nga cũng đặt câu hỏi về xác định trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng rút ruột tại các cây xăng, rồi pha chế xăng dởm.... "Xin chất vấn một câu hỏi tôi đã nêu ở kỳ trước và chưa có câu trả lời. Đó là tại sao cơ quan chức năng có đủ phương tiện, trang thiết bị nhưng tại sao các vụ việc lại không phải do cơ quan chức năng phát hiện ra mà lại do báo chí và người dân? Còn bao nhiêu điểm pha chế xăng dầu như thế này đang tồn tại. Do bất lực hay tiêu cực?", bà Nga hỏi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích, hành vi rút ruột ăn cắp chính là một kiểu phạm tội.
Giải pháp đề ra là nâng cao ý thức cảnh giác, tiến hành theo dõi, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm. "Các ngành công an, quản lý thị trường phải vào cuộc và kêu gọi sự giám sát của người dân... Như khi xảy ra vụ việc ở Quảng Ninh, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo ngành công an phải vào cuộc. Rõ ràng, đây là một loại tội phạm cần xử lý nghiêm", ông Phúc khẳng định.
Trả lời băn khoăn khác của ĐB Nga về tình trạng bảo kê cho các hoạt động phi pháp, ông Phúc cho hay, lỗi một phần do sự thiếu ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ cũng như sự lơ là, mất cảnh giác, dẫn đến bị kẻ xấu mua chuộc. Giải pháp sắp tới là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tăng trách nhiệm người đứng đầu và triệt để thực hiện khẩu hiệu hai xây, hai chống.
Nhân đây, bà Nga đề nghị trong báo cáo hàng năm của Bộ trưởng Công an trước QH phải đưa ra được kết quả xử lý được bao nhiêu người đứng đầu chính quyền khi để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành đe dọa đời sống người dân.
Trả lời câu hỏi của ĐBQ Nguyễn Thái Học về tình trạng đội ngũ cán bộ công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", ông Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, đúng là trong bộ máy vấn còn một bộ phận cán bộ cửa quyền, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm. Để xảy ra tình trạng này, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Tinh thần cải cách sắp tới là sẽ cương quyết loại khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất. |
-
Lê Nhung Ảnh: Minh Thăng