- Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nối các hoạt động trao đổi hợp tác sôi động trong tháng 6, cho thấy chuyển động tích cực trong quan hệ song phương Việt - Trung.


Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra từ hôm nay (19/6) và kéo dài đến 21/6 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm tăng cường sự tin cậy chính trị và hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong lịch trình hoạt động tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Bối cảnh của chuyến thăm này có nhiều ý nghĩa quan trọng, với cả hai phía. Nhìn xuyên suốt tháng 6 này, các hoạt động trao đổi hợp tác diễn ra sôi động trên kênh ngoại giao, quốc phòng, kinh tế.

{keywords}
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt - Trung sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về Biển Đông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc và chính quyền tỉnh Vân Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm Vân Nam, dự lễ khai mạc hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ nhất và hội chợ Côn Minh lần thứ 21 tại thành phố Côn Minh (4-7/6).

Song song hoạt động của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng đến Bắc Kinh dự Đối thoại quốc phòng Việt - Trung lần thứ 4 tại Bắc Kinh.

Trước đó, vào tháng 5, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến Bắc Kinh để chủ trì phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương.

Hoạt động tiếp xúc song phương cũng được tận dụng bên lề các diễn đàn đa phương trong tháng 5. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7) tại Brunei…

Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi hợp tác nhộn nhịp cho thấy những chuyển động tích cực trong quan hệ song phương Việt - Trung, logic với cơ chế hợp tác đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước thiết lập từ lâu.

Trong cuộc điện đàm tháng 3 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhất trí về những phương hướng lớn chỉ đạo quan hệ hai nước trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển “lành mạnh, ổn định lâu dài”.

Với chuyến thăm của Chủ tịch nước, Việt Nam muốn khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước trong quan hệ với Ðảng và Nhà nước Trung Quốc.

Duy trì đà phát triển quan hệ, nhất là các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với trọng tâm là tăng cường sự tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước, đưa quan hệ hai bên có bước phát triển thực chất theo khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại.

Thẳng thắn, chân thành về Biển Đông

Hợp tác và hữu nghị là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước kể từ bình thường hóa quan hệ (1991) đến nay. Song những tồn tại bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông hiện nay có lúc đặt quan hệ hai nước trước những thử thách thăng trầm. Dù vậy, hai bên luôn xác định tìm cách giải quyết để không ảnh hưởng đến đại cục quan hệ chung.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh cho hay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi “thẳng thắn, chân thành” về vấn đề Biển Đông.

Phía Việt Nam mong muốn từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị, lãnh đạo hai nước sẽ chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển, tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Hai bên cũng sẽ thảo luận biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh từ hoạt động nghề cá và ngư dân, không để ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị cũng như đời sống và tâm tư tình cảm của người dân hai nước.

So sánh trong 3 vấn đề lớn tồn tại do lịch sử để lại, rõ ràng Biển Đông là vấn đề lớn, khó khăn nhất so với phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ.

Những nỗ lực giải quyết phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ đã đặt ra những bài học, kinh nghiệm và những cơ sở để vấn đề trên biển giữa hai nước có định hướng giải quyết.

Dù tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, quan hệ hai nước có những lúc thăng trầm, nhưng lãnh đạo và nhân dân hai nước đều có một nhận thức chung không thay đổi. Đó là sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển ở mỗi nước mà còn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.

Linh Thư