Theo Sách xanh Liên minh châu Âu (EU) 2013 ra mắt hôm nay (18/6) tại Phái đoàn EU ở Việt Nam, EU và các nước thành viên vẫn là nhà tài trợ ODA lớn nhất thế giới năm 2012 với 55,2 tỷ euro được giải ngân (tương đương với 71,7 tỷ USD), chiếm hơn một nửa tổng số viện trợ toàn cầu.
Cũng trong năm 2012, đã có 395 triệu euro được giải ngân cho Việt Nam (513 triệu USD) và 743 triệu euro (965 triệu USD) được cam kết tài trợ trong năm nay. Số liệu phân tích cam kết tài trợ từ năm 2007 đến năm 2013 cho thấy EU vẫn đảm bảo thực hiện các cam kết dù bị ảnh hưởng bởi khủng khoảng kinh tế toàn cầu
Tại buổi họp báo ra mắt Sách xanh 2013, Đại sứ EU tại Việt Nam Franz Jessen cho biết: "Hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách chính sách trong nhiều lĩnh vực như các quy định pháp luật, quản lý tài chính công và y tế. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực, hỗ trợ trực tiếp xã hội dân sự và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, biến đối khí hậu và môi trường".
Đại sứ EU tại Việt Nam Franz Jessen: Các công ty lớn của châu Âu khi đến Việt Nam đầu tư không muốn nghĩ đến việc phải chi "hoa hồng". Ảnh: Viên Viên |
Các khoản vay và viện trợ không hoàn lại của EU cho Việt Nam phù hợp với các ưu tiên về kinh tế xã hội được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và góp phần hỗ trợ Chính phủ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế tiến tới phát triển trong dài hạn và tạo phúc lợi xã hội.
EU cũng phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực Việt Nam đang tiến hành cải cách để tối ưu hóa sự đồng thuận giữa chính sách của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển, do đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng bền vững, giảm đói nghèo và hội nhập kinh tế thế giới.
Cơ hội cải cách
Phiên bản Sách xanh năm nay được xây dựng dựa trên bối cảnh các thách thức Việt Nam phải đối mặt khi trở thành một nước thu nhập trung bình trong điều kiện kinh tế phát triển chậm lại và bất bình đẳng gia tăng. Cuốn sách cũng đưa ra các bước thực hiện để Việt Nam thực hiện vượt qua các thách thức đó.
Trả lời VietNamNet về đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, Đại sứ Franz Jessen nhận định, những chỉ số kinh tế vĩ mô hiện nay so với năm ngoái đã có dấu hiệu tốt lên như tỷ giá hối đoái, lạm phát, cán cân thương mại.
Ông cho rằng, khó khăn kinh tế là cơ hội để Việt Nam có thể tiến hành cải tổ thể chế, cải cách cơ chế, chính sách. Những yếu tố từng là lợi thế của Việt Nam như nhân công giá rẻ đều đã "xưa cũ". Việt Nam vẫn còn những lĩnh vực chưa cạnh tranh và EU sẵn sàng giúp Việt Nam cải thiện tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thông qua các cơ chế như FTA song phương....
Tháng 6/2012, đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do FTA giữa EU và Việt Nam đã được tiến hành. Thỏa thuận này cho thấy tiềm năng lớn nhằm thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm cho cả hai phía. Cho đến nay, hai bên đã tiến hành 3 vòng đám phán. Vòng thứ 4 sẽ khởi động vào tháng 7 tới.
Đại sứ EU cho hay châu Âu xem Việt Nam là cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước khác. Do đó, EU có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thương mại, đảm bảo xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU, đảm bảo về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là hỗ trợ về cải cách thể chế, quản trị công ty....
Ông cũng nhấn mạnh những tiểu cải cách liên quan quản trị, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng.Ông cho hay, khi ông nói chuyện với các nhà đầu tư châu Âu về thị trường Việt Nam, họ đều cho rằng, nếu Việt Nam phòng chống tham nhũng không tốt sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ vào Việt Nam.
"Các công ty lớn khi đến đây không muốn nghĩ đến việc phải chi "hoa hồng", họ cũng muốn chính sách thuế phải rõ ràng" - ông nhấn mạnh.
Linh Thư