- Ngày 25/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc với cử tri là doanh nhân TP.HCM để lắng nghe những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm giải pháp tháo gỡ.

{keywords}


Với tinh thần “muốn nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp” như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gợi ý đầu buổi tiếp xúc, nhiều danh nhân TP.HCM đã bày tỏ những bức xúc và khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho ngành bất động sản (BĐS) chưa đến được với doanh nghiệp.

Trước tinh thần cởi mở đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh đã thẳng thắn bày tỏ những trăn trở mà trong lòng ông đang thấy trĩu nặng. Ông cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, hầu như các doanh nghiệp không còn lòng tin vào thị trường và đối tác, không mở rộng sản xuất… chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách bảo toàn vốn.

Ngay cả những gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gói hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho BĐS cũng được các doanh nhân TP.HCM phản ánh, chưa đi vào thực tế và chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Nói như Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, những gói hỗ trợ này đã được doanh nghiệp chờ đợi nhưng đến khi xác định đối tượng được hỗ trợ (cách xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa) thì “đã làm các doanh nghiệp không còn kỳ vọng nữa vì đa số doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện nên tác dụng hỗ trợ rất ít”. “Chính sách của chúng ta hiện nay chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn và chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng”, ông Minh nói thêm.

Do đó, ông kiến nghị 5 vấn đề, trong đó đặt trọng tâm vào việc Nhà nước cần xây dựng lòng tin để doanh nghiệp có niềm tin cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm khó, gây nhũng nhiễu với doanh nghiệp.

Về vốn và lãi suất, ông Minh đề nghị giảm bớt thủ tục phiền hà để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8-10%/năm… Đối với ngân hàng, ông đề nghị cho phép các doanh nghiệp được đảo nợ thay cho mua bán nợ.

“Nếu không thay đổi cách làm, 30.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đừng có ngồi đó mà chờ. Nó như xương gà chiên bơ ăn không được”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lợi (doanh nghiệp tư nhân) đề nghị, chia gói 30.000 tỷ đồng này thành từng gói nhỏ cho từng địa phương cụ thể mới mong tiền đến tay doanh nghiệp được.

Các doanh nhân khác cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải vốn và lãi suất như 2 năm qua mà là thị trường. Sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng. Thị trường giảm làm cho hàng tồn kho ngày càng nhiều. Cho nên, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa.

Trước những đề nghị này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, TP.HCM chiếm tới 1/3 GDP cả nước, cho nên những thành tựu hay khó khăn của các doanh nghiệp TP sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả nước.

Vì thế, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân TP.HCM phát huy truyền thống của mình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phải tìm mọi cách hỗ trợ cùng phát triển. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói của người xưa để khích lệ tinh thần của các doanh nghiệp vươn lên sản xuất.

“Phải dũng cảm vươn lên mạnh mẽ", ông Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước đề nghị phía ngân hàng cũng phải ngồi lại đoàn kết cùng các doanh nghiệp tìm hướng ra cho sản xuất kinh doanh, bởi “doanh nghiệp chết thì anh ngân hàng thương mại cũng chết”.

Chủ tịch nước cho biết trên cơ sở những kiến nghị của các doanh nghiệp TP.HCM, thời gian tới TƯ sẽ bàn và có những biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Tá Lâm