- Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang vừa ký ban hành chỉ thị của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó yêu cầu tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng, một mặt xóa đầu cơ, tích trữ, nhưng mặt khác phải có lộ trình để đảm bảo lợi ích của dân.


Theo đó, tại phiên họp ngày 10 - 11/3/2011, Bộ Chính trị đã nghe Ban cán sự Đảng ,Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan.

Từ đó, Bộ Chính trị đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục những bất cập hiện nay.

 

Bước sang năm 2011, nước ta có những thuận lợi cơ bản như nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, khó khăn còn rất lớn.Ảnh: Lê Nhung

Ảnh hưởng đến niềm tin của dân


Bộ Chính trị nhận định, bước sang năm 2011, nước ta có những thuận lợi cơ bản như nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, khó khăn còn rất lớn. Trên thế giới đã xảy ra những biến động về chính trị, xã hội ở một số nước Trung Đông và Châu Phi. Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là khu vực đồng EURO vẫn bất ổn.

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục đối mặt với những thách thức, thậm chí lớn hơn so với dự báo cuối năm trước về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; giá cả, lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao so với chỉ số lạm phát và tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Rồi tình trạng đô la hóa và sử dụng vàng để kinh doanh, làm công cụ thanh toán trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, tỉ giá biến động mạnh, giá vàng tăng cao và dự trữ ngoại hối giảm. Việc cung cấp điện còn nhiều căng thẳng.

Tình hình trên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư nhận định, nguyên nhân một phần do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Nhưng yếu tố chủ quan là do những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được khắc phục, lại bị tích tụ nặng nề hơn trong những năm phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế và do một số hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trong nhiều năm qua, nước ta luôn đối mặt với lạm phát cao và kinh tế vĩ mô không vững chắc, gay gắt hơn các nước trong khu vực.

Khó khăn sẽ còn kéo dài, nhất là trong việc thực hiện đồng thời ba mục tiêu (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội) và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng có thể tiếp tục tăng cao. Những tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bên cạnh mặt tích cực, có thể có những tác dụng phụ làm giảm tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, thị trường tài chính, tiền tệ, tính thanh khoản và độ an toàn của một số ngân hàng thương mại, nhất là đối với sự ổn định của hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dân đang găm giữ vàng

 
Thường trực Ban Bí thư khẳng định, cần xác định tư tưởng không nên quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao. Các bộ ngành nên tập trung giải quyết những vướng mắc về tiền tệ, tín dụng, điện...

Về tiền tệ, tín dụng, cần áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối. Nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân đang trữ vàng và ngoại tệ.

Tránh tạo ra các "cú sốc" về tâm lý gây bất ổn xã hội; khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng. Tăng cường quản lý hoạt động các ngân hàng thương mại, tránh rủi ro về nợ xấu, bảo đảm tính thanh khoản; khắc phục những bất hợp lý về lợi nhuận và thu nhập trong lĩnh vực này.

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, hướng tới giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công ở mức phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư của khu vực DNNN.

Thường trực Ban Bí thư khẳng định, phải có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế bong bóng. Việc kiểm soát, hạn chế dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản cần có lộ trình, bước đi và giải pháp phù hợp; chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cần tận dụng mọi cơ hội tăng cường xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là những mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất.

Đẩy mạnh việc tái cấu trúc DNNN theo hướng: cổ phẩn hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của DN. Sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng như hiện nay.

Về vấn đề điện, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, song song với việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình điện; cần sớm có chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh các loại nguồn điện. Ưu tiên bảo đảm đủ điện cho sản xuất, không khuyến khích đầu tư và sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm tiêu tốn quá nhiều điện.

Song hành các chính sách kinh tế, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời sâu sát nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khác, kể cả đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp.

Các bộ ngành phải thường xuyên nắm bắt, phân tích, dự báo kịp thời tình hình. Trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch 2011.

Ngọc Lê