- Khi Thủ đô đưa ra chính sách thu hút nhân tài mới, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng hy vọng người giỏi sẽ về thành phố không chỉ vì lợi ích kinh tế.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp HĐND Hà Nội sáng nay (2/7), ông Trần Huy Sáng mong nghị quyết sắp ra, với mục đích cụ thể hóa luật Thủ đô, sẽ khắc phục được những hạn chế trong 11 năm trải thảm đỏ chưa hiệu quả vừa qua.

Có người nói Hà Nội không cần trải thảm đỏ

- Thưa ông, tại sao chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội tập trung vào các thủ khoa, tiến sĩ? Sao không đặt vấn đề tạo cơ chế mở, tuyển người làm được việc, thì không cần là thủ khoa, tiến sĩ vẫn có thể là nhân tài?

Tiến sĩ, thủ khoa chỉ là một trong 6 đối tượng mà chính sách này nhắm đến, thuộc các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, nông nghiệp nông thôn, cải cách hành chính...

Mục tiêu chính là để đáp ứng yêu cầu của những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của Thủ đô.

Ví dụ, lĩnh vực mà thành phố đang cần nhất hiện nay là y tế. Trong 5 năm tới, với các dự án xây dựng bệnh viện, Hà Nội sẽ thiếu khoảng 5.000 bác sĩ. Vì vậy nghị quyết lần này nhấn mạnh đối tượng là các bác sĩ giỏi.

{keywords}
GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng: Thu hút nhân tài không phân biệt hình thức đào tạo hay vùng miền. Ảnh: Phạm Hải

- Các chế độ đãi ngộ mà dự thảo nghị quyết đưa ra tương đối hấp dẫn như lương cao, được cử đi học... Nhưng lâu nay việc trải thảm đỏ thu hút nhân tài khó ở chỗ môi trường làm việc trong nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu của họ. Chính sách mới có tính đến việc tạo môi trường để họ nhiệt huyết cống hiến chứ không chỉ là chuyện lương?

Đánh giá 11 năm thực hiện chính sách trải thảm đỏ vừa qua, có những việc được và chưa được, trong đó, ngoài chế độ chính sách, việc tạo môi trường cũng còn những hạn chế.

Nghị quyết không thể đề cập hết các giải pháp, sau này UBND thành phố sẽ có những quy định cụ thể hơn, không chỉ về kinh tế mà còn là vinh danh, tạo điều kiện...

- Tuy nhiên, dự kiến lương cho nhân tài gấp 20 lần mức tối thiểu, so với các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, vẫn rất thấp, tại sao vậy?

Như tôi đã nói, Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính, có người nói Hà Nội không cần trải thảm đỏ người ta cũng đến.

Thế nên các chính sách đưa ra không chỉ về vật chất mà còn về tâm lý, động viên, khuyến khích, trọng dụng, vinh danh..., để người có năng lực về Hà Nội làm việc sẽ có môi trường để cống hiến, được xã hội nhìn nhận, được các cấp, các ngành của thành phố đánh giá đúng mức đóng góp của họ.

Trong dư luận đúng là có ý kiến chính sách đãi ngộ như vậy còn có mức độ. Nhưng cũng có ý kiến rằng đến với Hà Nội không phải vì kinh tế, vật chất, mà vì trách nhiệm, tấm lòng, để cống hiến cho Thủ đô của đất nước.

Không đóng cửa với người tài

- Một số địa phương như Quảng Ninh đã thi tuyển lãnh đạo sở ngành, Hà Nội có dự kiến thực hiện tương tự?

Hà Nội thực ra đã làm từ năm 2010 đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Nhưng đây là vấn đề khó, nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu.

Trong chương trình đổi mới công tác quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, Thành ủy, UBND thành phố đã giao Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ nghiên cứu để tiếp tục thực hiện. Đó sẽ là hướng trong một vài năm tới.

- Vậy chính sách thu hút nhân tài mới của Hà Nội có phân biệt đối với tại chức, ngoài công lập hay ngoại tỉnh?

Dự thảo nghị quyết không hề phân biệt hình thức đào tạo hay vùng miền. Hà Nội không đóng cửa với những người có tài năng mà luôn luôn mở cửa.

- Sau 11 năm trải thảm đỏ vẫn còn những hạn chế, ông có cho rằng chính sách mới sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Tất nhiên ta hy vọng chính sách mới sẽ đẩy nhanh những mục tiêu mà thành phố đặt ra, góp phần khắc phục những hạn chế trước đây.

Nhưng đây là vấn đề khó, ta cũng không cầu toàn, khi chính sách ra đời sẽ vừa thực hiện vừa điều chỉnh, bổ sung.

Cũng phải lưu ý rằng Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, có không ít các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tạo điều kiện hơn, đưa ra nhiều ưu đãi hơn, có sức hút cao hơn... với những người có năng lực.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết trong hơn 10 năm qua, Thủ đô tuyển được 103 thủ khoa vào khu vực nhà nước. Họ cơ bản làm việc tốt, nhưng cũng có những trường hợp không thích ứng được với công việc thực tiễn.

"Một mặt, cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho người giỏi cống hiến. Mặt khác, bản thân người giỏi cũng phải hoàn thiện mình để phù hợp với những công việc cụ thể mà trường lớp không đào tạo", ông Trần Huy Sáng nói.

Chung Hoàng