Khi Nhật Bản ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ đóng một vai trò quan trọng trong chính trị và an ninh Đông Á, thì các quốc gia láng giềng đã thể hiện các phản ứng khác nhau.
Có thể thấy được phản ứng của Triều Tiên về một Nhật Bản mạnh hơn giống như một mối đe dọa. Trung Quốc và Hàn Quốc có sự căng thẳng và thù địch - giống như Jeffrey W. Hornung thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương nhận xét gần đây. Nhưng ở nhiều nước khác, phản ứng lại khá thiện ý.
Nhiều nước trong khu vực coi Nhật là đối trọng với Trung Quốc. Ảnh minh họa: umarsecreview |
Nơi lo ngại
Sự thận trọng của Hàn Quốc chủ yếu bắt nguồn từ các nhân tố lịch sử, cho dù căng thẳng song phương hiện tại về đảo tranh chấp (gọi là Dokdo ở Hàn Quốc và Takeshima ở Nhật Bản) cũng đóng một vai trò đáng kể. Sự tổn thương về mặt tâm lý xuất phát từ thời kỳ bóc lột, đôi khi là thực dân tàn bạo của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20. Sự tổn thương ấy cho tới nay vẫn rất khó hàn gắn.
Các quan chức Nhật lại đào sâu thêm lòng hoài nghi của Hàn Quốc bằng những tuyên bố nhạy cảm, đôi khi là vụng về về giai đoạn đó. Ví dụ gần đây nhất là khi Thị trưởng Osaka, Toru Hashimoto, bình luận về "những phụ nữ giải khuây" (chỉ các phụ nữ làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản) là cần thiết để duy trì kỷ luật quân đội và giải tỏa bức xúc cho binh lính trên chiến trường.
Nhân tố lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong quan điểm của Trung Quốc với Nhật Bản. Các quan chức và báo chí Trung Quốc không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để nhắc nhở người dân về hành động của Nhật Bản trên đất nước họ trong suốt những năm 1930 và đầu 1940.
Nhưng với Trung Quốc, những cạnh tranh địa chính trị hiện tại lại lớn hơn, có động cơ quan trọng hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tokyo có thể chấm dứt giới hạn tự đặt ra về việc chi tiêu không quá 1% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm cho quân sự. Điều này đã dẫn tới những phản ứng tiêu cực từ Bắc Kinh.
Thêm vào đó, có nhiều thông tin cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tìm cách sửa đổi điều 9 trong Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản. Điều khoản này đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt về việc sử dụng lực lượng quân sự. “Với việc chính phủ Nhật từ chối xin lỗi về sự xâm lược của họ trong Thế chiến II, thì bất kỳ việc sửa đổi nào trong hiến pháp Nhật sẽ là nguyên nhân khiến cả thế giới lo ngại", tờ nhật báo Trung Quốc cảnh báo.
Lập trường cứng rắn, không khoan nhượng của Tokyo trong năm qua liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông cũng khiến báo chí Trung Quốc mạnh miệng chỉ trích về cái họ gọi là chủ nghĩa đế quốc hồi sinh tại Nhật.
Bên chào đón
Tuy nhiên, phản ứng của những nơi khác tại Đông Á về sự quả quyết hơn của Nhật trong vấn đề chính trị và an ninh lại thực sự khác biệt so với phản ứng của hai miền Triều Tiên cũng như Trung Quốc. Chưa đầy hai thập niên trước, các nước như Philippines, Australia và Singapore luôn phản đối mạnh mẽ sự gia tăng quân sự của Nhật cũng như việc mở rộng vai trò an ninh bên ngoài khả năng phòng thủ của nước này. Các nhà lãnh đạo Đông Á khi ấy còn nhấn mạnh, Mỹ cần thực thi giám sát chặt chẽ các hành động quân sự của Nhật. Nhà lãnh đạo lâu năm của Singapore, ông Lý Quang Diệu từng thẳng thắn cảnh báo về nguy cơ hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Về phía Washington, đầu những năm 1990, Tướng Henry Stackpole, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại Okinawa, nói trong cuộc phỏng vấn rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ là "chiếc nút chai" để trấn an khu vực trước viễn cảnh chủ nghĩa quân phiệt Nhật trỗi dậy.
Song, sự gia tăng của Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn các tính toán chiến lược, kể cả ở Washington cũng như nhiều nước Đông Á. Dưới thời của George W. Bush, quan chức Mỹ đã làm việc không biết mệt mỏi để củng cố liên minh với Nhật, và giúp các nhà lãnh đạo Tokyo hiểu rằng, liên minh ấy là đầu tàu giải quyết các vấn đề an ninh khác trong khu vực chứ không chỉ hạn chế chuyện phòng thủ lãnh thổ của Nhật. Quan hệ đối tác chiến lược này tiếp tục được đào sâu hơn trong những năm Obama làm Tổng thống Mỹ.
Một số quốc gia Đông Á giờ đây coi Nhật Bản là đối trọng chiến lược quan trọng với Trung Quốc. Khi được hỏi Manila đánh giá thế nào về một Nhật Bản tái vũ trang, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói: "Chúng tôi sẽ rất hoan nghênh. Chúng tôi đang tìm kiếm các yếu tố cân bằng trong khu vực, và Nhật có thể là nhân tố cân bằng đáng kể". Và những quan điểm như vậy đã trở thành hành động.
Tháng 1/2013, Tokyo và Manila đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải. Quan hệ giữa Nhật và Singapore cũng ngày một phát triển, giống như giữa Nhật với Australia. Lo lắng về nhu cầu đối trọng với một Trung Quốc trỗi dậy đã hiển hiện rõ ràng trong hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa Thủ tướng Nhật Abe và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên đề cập tới chuyện hợp tác dù là vấn đề khá nhạy cảm như công nghệ hạt nhân.
Chấp nhận việc Nhật đóng một vai trò chính trị - quân sự xứng tầm với địa vị là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể khó khả thi ở Trung Quốc cũng như hai miền Triều Tiên, nhưng thực tế nó đã và đang xảy ra ở những nơi khác tại Đông Á. Rommel Banaoi của Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố tại Manila đã vắn tắt về viễn cảnh mới: “Chúng tôi đã gạt sang bên cơn ác mộng về Thế chiến II vì mối đe dọa từ Trung Quốc". Câu hỏi chính còn lại là: Tokyo sẽ phản ứng thế nào với cơ hội mới này?
Thái An (theo nationalinterest)