- Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đến hết 2015, TP dự kiến sẽ cung ứng 15.500 căn hộ thu nhập thấp, đáp ứng 30% nhu cầu.


Thu hồi dự án bị bỏ hoang

Sáng 3/7, HĐND TP Hà Nội thảo luận và quyết định về chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2012-2020, định hướng đến 2030.

Báo cáo của UBND TP về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2000-2010 cho thấy còn rất nhiều bất cập.

{keywords}
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Phạm Hải


Từ năm 2000-2010, Hà Nội đã xây mới được 16 triệu m2 nhà ở (chỉ tiêu là 12-13 triệu m2). Bình quân diện tích nhà ở là 20,8m2/người. Chương trình này cũng đã khiến một loạt các khu đô thị mới ra đời như Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính, Định Công v.v…

Tuy nhiên, bất cập lớn là cơ cấu nhà ở mới chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, chưa quan tâm đến căn hộ nhỏ và vừa, phù hợp với các đối tượng có thu nhập trung bình, thấp và các đối tượng chính sách, dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu, khiến thị trường bất động sản đóng băng, gây hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, hiện tượng để dự án “hoang hóa” là phổ biến. TP giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở nhưng lại không quan tâm đến năng lực thực tế của chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư chỉ giữ đất để tìm cách chuyển nhượng hoặc không triển khai dự án, đất bị bỏ hoang nhiều.

2015: Đáp ứng 30% nhu cầu nhà thu nhập thấp

Vì thế, trong chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến 2030, Hà Nội cho biết sẽ triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn, trong đó, đáng chú ý là đến hết 2015, Hà Nội dự kiến sẽ cung ứng 15.500 căn hộ thu nhập thấp cho các đối tượng chính sách xã hội (đạt 30% so với nhu cầu thực tế là cần 45.000 căn hộ).

Tổng kinh phí cho chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội đến 2015 là 8.453,4 tỷ đồng. Kinh phí cho chương trình từ 2015 đến 2020 là 7.635 tỷ đồng và từ 2020 đến 2030 cần 8.612,7 tỷ đồng.

Trước băn khoăn của các ĐB về nguồn kinh phí, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết kế hoạch phát triển nhà ở đến 2015 khả thi về vốn.

“Trong tổng kinh phí 8.543,4 tỷ (phục vụ nhu cầu đến 2015) thì đã có tới 3.075 tỷ là trái phiếu Chính phủ đã phân bổ cho Hà Nội để xây nhà ở cho học sinh sinh viên. Các nguồn trung hạn, dài hạn khác và nguồn vốn địa phương có thể cân đối được”, ông Hùng nói.

Trong chương trình phát triển nhà ở đến 2015, để khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng hiện nay, UBND TP Hà Nội sẽ tạm ngừng, chưa xem xét đề xuất phê duyệt một số dự án nhà ở thương mại, thực hiện rà soát các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần dừng theo tiêu chí của Bộ Xây dựng.

Các ĐB cho rằng Hà Nội cần xem xét kỹ điều này, tránh tình trạng “siết” một loạt, lại có thể gây mất cân đối cung - cầu.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: “Hiện nhà ở thương mại đang dư thừa. Hà Nội sẽ tạm dừng một số dự án nhà ở thương mại trong nội đô hoặc gần nội đô, còn các dự án ở các khu vực khác 2 khu vực trên có khả năng hoàn thiện và cung ứng nhà thì vẫn cho triển khai, không dừng tràn lan”.

Theo ông Hùng, tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội đã thu hồi 25 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích 825ha và đang tiếp tục lập hồ sơ thu hồi tiếp 9 dự án khác.

Cẩm Quyên