- "Đảng phải sửa đổi, chấn chỉnh và thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn nữa thì Mặt trận và các tổ chức khác mới có cơ hội, động lực để đổi mới, vươn lên".


Động lực để vươn lên

Tại hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 11 (khóa VII) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) tại Hà Nội ngày 4/7, ông Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc nói: Chúng ta đề ra nhiều việc, có những việc làm được nhưng có nhiều việc chưa làm tốt mà nguyên nhân nằm ở khâu lãnh đạo.

“Có những cái đề xuất hàng năm trời, thậm chí có những vấn đề phản biện giám sát cả 2 nhiệm kỳ rồi mà không thấy chuyển biến gì”, ông than thở.

{keywords}

Ông Lù Văn Que, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc 


Từ thực trạng này, ông nhận định: “Trong khi Đảng kêu gọi các cấp các ngành, mọi người phải đổi mới thì bản thân Đảng đổi mới chậm quá”. Rồi ông thúc giục: “Đảng phải sửa đổi, chấn chỉnh và thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn nữa thì Mặt trận và các tổ chức khác mới có cơ hội, động lực để đổi mới, vươn lên”.

Ông cũng nói thêm về cách làm việc “rất hình thức” hiện nay: Đoàn chủ tịch của UBTƯ MTTQVN khi làm với Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước có nhiều việc bàn suôn sẻ, tốt đẹp cả nhưng tại sao có những việc sau đó cứ ách tắc lại trong quá trình triển khai?

“Chính sách với người tiêu biểu ta nói mãi rồi, Thủ tướng cũng đồng ý rồi nhưng có thấy làm đâu? Khi phối hợp liên kết thì có vẻ hay lắm nhưng đến giờ vẫn thế này, hình thức lắm. Mắc kẹt ở đâu phải truy đến cùng chứ?”, ông nói.

Chất lượng cán bộ, công chức

Ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì cho biết điều nhân dân đặc biệt lo lắng, băn khoăn là bộ máy hành chính của đất nước.

“Ta nói nhiều năm rồi, càng gần đây càng nói nhiều mà vẫn thế. Chất lượng công vụ của công chức, bộ máy hành chính của chúng ta còn nhiều vấn đề”.

Một ví dụ điển hình mà ông Thám nêu ra để cho thấy những băn khoăn về chất lượng cán bộ công chức là hoàn toàn có cơ sở: “Không rõ bố trí cán bộ ra sao nhưng đã có chuyện hôm nay bố trí cán bộ mai lại phát hiện ngay là cán bộ đó có vấn đề”.

Chưa hết, vị Phó chủ tịch MTTQ còn nhấn mạnh: Đường lối chính sách ta có hết rồi nhưng chậm triền miên, anh này đổ anh kia, ngay trong bộ máy cũng có chuyện cấp trên là A nhưng xuống cấp dưới lại là B, không hiểu điều hành sẽ ra sao?

{keywords}

Ông Trần Hoàng Thám: Có chuyện hôm nay bố trí cán bộ mai lại phát hiện ngay là cán bộ đó có vấn đề

Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội thì quan tâm đến việc ban hành một số văn bản không khả thi, không thực tế, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông lấy ví dụ về chính sách thu phí đường bộ: Về nguyên tắc, khi người ta có xe ô tô, người ta đóng phí thì được đi đường bộ trên cả nước. Nhưng thực tế là đi đâu họ cũng mắc những trạm thu thêm tiền phí đường bộ.

“Chính sách đã ra là phải công bằng, nghiêm túc, từ trên xuống dưới, được nhân dân hưởng ứng. Cần rút kinh nghiệm sau những vụ việc trên”, ông Bình nói.

Lấy phiếu tín nhiệm: Tránh để nhiều mức

Ông Trần Phùng, Chủ tịch MTTQ Thừa Thiên Huế nêu ý kiến về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua. Sau khi kết quả được công bố, các ĐBQH đánh giá bước đầu kết quả phản ánh được sự khách quan, chính xác, sát với tình hình, đúng với quy định.

Nhưng ông Phùng lưu ý đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Qua tiếp xúc, ý kiến của đông đảo các tầng lớp quần chúng cho rằng chỉ nên để 2 hình thức là tín nhiệm và không tín nhiệm, tránh để nhiều mức như vừa qua khiến kết quả còn chung chung, chưa thực chất.

Dành sự quan tâm cho vấn đề lấy phiếu tín nhiệm như ông Phùng song ông Trương Công Phú, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Kinh tế lại có góc nhìn khác.

“Việc này được nhiều người hoan nghênh, đánh giá là một “thắng lợi” nhưng phải sửa cách làm cho phù hợp”.

Rồi ông phân tích: Thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chính là biểu hiện cụ thể trong việc thực hiện chủ trương phê bình và tự phê bình, mà điều này thì đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Vì thế, thực chất hoạt động này không có gì là mới.

Theo ông, trong những lần tiếp theo, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên để ở 2 mức: Đạt và không đạt chứ không để mức tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và tín nhiệm như hiện nay, vì như vậy là “quá an toàn” cho người được lấy phiếu, bởi tín nhiệm và tín nhiệm cao cộng lại, theo phân tích của ông, sẽ không bao giờ dưới “quá bán”.

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng