- Đã 4 năm nhưng báo cáo của TP về việc thu hồi đất của nhà máy rượu Hà Nội và nhà máy dệt kim Đông Xuân để xây dựng trường học vẫn chưa có gì mới, việc thu hồi đất vẫn án binh bất động khiến ĐB HĐND TP bức xúc.

Tiếp tục phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình nước sạch nông thôn, thu đất xây trường học, ‘cái chết”của các chợ trong trung tâm thương mại, quy hoạch các chợ… đã được các ĐB gửi đến lãnh đạo TP.

Hỏi TP, không hỏi chủ đầu tư

Về dự án thu hồi, dành 4.000 m2 đất của nhà máy rượu Hà Nội để xây trường nhằm tách trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân thuộc quận Hai Bà Trưng (hiện 2 trường này đang học chung trên cùng một diện tích, rất chật chội, bất tiện), Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư đến cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay phải giải phóng xong mặt bằng.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

 

Trước nhiều dẫn giải của bà Phó chủ tịch, trong đó phần nhiều là các báo cáo được gửi lên từ chủ đầu tư, ĐB Nguyễn Hoài Nam đánh giá: “Báo cáo này nói lại đúng như trước đây đã trả lời, chưa có gì mới”.

Ông Nam cũng thông tin: Tiếp xúc với cử tri quận Hai Bà Trưng, kết quả cho thấy dự án này từ 2009 đến nay vẫn bất động, nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Đông Xuân chưa giao đất cho quận để nhà đầu tư triển khai xây trường.

“Thành phố nói theo báo cáo của chủ đầu tư nhưng ĐB hỏi thành phố chứ không hỏi chủ đầu tư. Thành phố có biện pháp gì để thu hồi một phần đất, giao quận Hai Bà Trưng xây trường tách cấp?”, ông Nam hỏi.

Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời: “Thành phố sẽ cho kiểm tra, đôn đốc. Theo báo cáo của chủ đầu tư thì kết quả sẽ có trong quý 3, quý 4 này. Thành phố sẽ báo cáo cử tri vào phiên họp cuối năm nay”.

Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh hỏi câu chốt: “Tóm lại thì khi nào thu hồi được?”, bà Ngọc trả lời: “Quyết tâm trong quý 3, đầu quý 4 này là sẽ thu hồi được”.

Trạm nước sạch xây 10 năm không hoạt động

Nước sạch nông thôn là một trong những nội dung được nhiều ĐB quan tâm do đây đang là vấn đề bức xúc. Thực tế cho thấy người dân ở nông thôn vẫn chật vật tìm kiếm nguồn nước sạch cho sinh hoạt, nhiều nơi người dân sử dụng nước giếng khoan, nước ngầm chứa asen nhiều, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

ĐB Nguyễn Thị Thùy đặt câu hỏi: “Theo tôi biết thì có trạm đầu tư 8 năm nay chưa hoạt động được, hệ thống ống đầu tư ban đầu sắp hỏng vẫn chưa đưa vào sử dụng. Vậy thực tế bị vướng ở chỗ nào?”

Trước khi trả lời, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết không chỉ 8 năm mà thực tế là có những trạm được đầu tư xây dựng từ 10 năm nay nhưng không hoạt động ngày nào, thậm chí có trạm đã hỏng toàn bộ.

“Khi xây trạm, địa phương báo cáo có đủ khả năng lo vốn đối ứng (chiếm 40%, thành phố lo 60%). Phần của thành phố thì cấp về đầy đủ nhưng địa phương sau đó không lo được vốn đối ứng (từ người dân 10%, ngân sách và các nguồn khác 30%) nên kết quả là không hoàn thành”, ông Việt lý giải.

Về thực trạng mô hình chợ trong trung tâm thương mại “chết yểu”, thậm chí có trung tâm thương mại (như Ô Chợ Dừa) còn biến tầng 1 thành quán Karaoke, gây lãng phí lớn, các ĐB cũng chưa rõ thành phố có hướng chuyển đổi như thế nào, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội không thông tin cụ thể mà chỉ nói “có chuyển đổi thế nào cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch”.

“Các nơi này đều đầu tư theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tiền (như Chợ Cửa Nam đầu tư hết hơn 100 tỷ, chợ Hàng Da hơn 260 tỷ đồng) nhưng thu hồi vốn rất khó khăn”, ông Sửu nói.

Khó khăn của mô hình này được thể hiện ở con số “u ám”: Trước đây có hơn 60 tiểu thương kinh doanh các ki-ốt trong chợ Cửa Nam nhưng giờ không còn hộ nào, thay vào đó là 2 siêu thị nhỏ nhưng cũng “ế” nặng.

Cẩm Quyên