- Không “cú dớp” nào xảy ra, kiểu như “sự cố” ở Phnom Penh năm ngoái. Nhưng không có nghĩa ASEAN chỉ vỗ vai trong nội bộ để vấn đề Biển Đông “tạm ổn”.
Nhìn từ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 46 (AMM46) vừa qua tại Brunei, ASEAN cho thấy quyết tâm cao độ hiện thực hóa mục tiêu lập Cộng đồng ASEAN vào 2015, mà những thử thách tác động phải giải quyết thỏa đáng.
AMM46 có gì? Ít nhất một bản Thông cáo chung đề cập toàn diện những vấn đề ASEAN định hướng, ưu tiên thực hiện đã không bị dớp “tắc” không ra được vì tranh cãi liên quan vấn đề Biển Đông như năm ngoái. Thông cáo chung AMM46 thể hiện tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, ngay cả những vấn đề phức tạp như Biển Đông.
ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại khu vực |
Vấn đề Biển Đông, với ASEAN, không thể neo ở cơ chế “tạm ổn” bởi nó tác động lớn đến môi trường hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực, có thể làm ảnh hưởng đến bất cứ mục tiêu to lớn nhất nào của khu vực này nếu có sự trục trặc.
Chiểu theo đó, từ những “sự cố” ở Phnom Penh năm ngoái từng khiến báo chí phương Tây tốn mực coi là điểm thử thách đoàn kết, đồng thuận của ASEAN, cho đến những nỗ lực trải dài suốt đến tận AMM46 vừa qua, ASEAN cho thấy, khối này không muốn để những trục trặc nội bộ xung quanh vấn đề Biển Đông tác động tới quá trình thực hiện những mục tiêu chung.
Những “bài học” trong thực hiện cơ chế DOC (ASEAN từng mất 9 năm mới có Bản hướng dẫn thực hiện DOC), cho đến những thử thách gần đây, càng làm cho ASEAN không thể bỏ lỡ những cơ hội.
Về quan điểm, tại AMM46, ASEAN một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại khu vực. Theo đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ngày ký DOC…
Trên cơ sở đó, tái khẳng định bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đồng thời kiềm chế không có các hoạt động tại khu vực.
Thúc giục đàm phán COC thực chất
Về hành động, ASEAN ghi nhận các đề xuất về việc thiết lập đường dây nóng cũng như việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn người và tàu thuyền gặp nạn của Việt Nam.
Điểm tích cực nữa, đó là lần này ASEAN-Trung Quốc nhất trí tiến hành tham vấn chính thức ở cấp quan chức cấp cao (SOM) về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào tháng 9 tới, phục vụ việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) 20 - trong khuôn khổ AMM46, đã nhấn mạnh: “ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy việc sớm đàm phán chính thức, thực chất để đạt được COC, bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Ông cũng nêu rõ: “Hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước. Do đó, các nước cần chung tay đóng góp vào mục tiêu chung này, đặc biệt trong bối cảnh trong khu vực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp”.
Tại AMM46, Việt Nam chủ động đề xuất tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập một dàn xếp khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển... Bên cạnh đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc giúp đỡ và đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển.
Nhận định Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hành động áp đặt yêu sách ngày càng tăng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu ra tại AMM 46 các vụ việc tàu cá Việt Nam bị bắn cháy hoặc bị đâm trong khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước những diễn biến này, ông cho rằng ASEAN cần kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng những nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận như quy định trong DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, kiềm chế và không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Linh Thư