- Những học sinh đang học dở mà không đủ khả năng kinh tế để theo đuổi học phí chương trình chất lượng cao sẽ được xử lý ra sao?
Sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội thảo luận về cơ chế tài chính áp dụng với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong số 12 ý kiến phát biểu, phần lớn tập trung hỏi về cơ chế tài chính đối với các trường hợp chuyển tiếp từ trường thường lên trường chất lượng cao thì mức thu sẽ thế nào? Có ĐB đứng lên thảo luận đến lần 3.
Đang học sẽ phải chuyển?
ĐB Lê Văn Hoạt là người đầu tiên đặt ra vấn đề “chuyển tiếp” như trên. Ông Hoạt nói: "Học sinh đang học được 1-2 năm thì trường đủ điều kiện để chuyển tiếp lên thành trường chất lượng cao. Vậy học sinh sẽ phải chuyển trường khác hay làm thế nào? Bởi mức thu học phí lúc đó sẽ khác, không phải ai cũng đủ khả năng để đóng góp".
Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) hỏi: "Nếu chuyển
tiếp lên thành trường chất lượng cao, học sinh không đủ khả năng đóng học phí
nhưng vẫn muốn học ở đó thì làm thế nào?"
Còn ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Chương Mỹ) cũng quan tâm đến vấn đề chuyển tiếp, nhưng
lại ở chiều ngược lại: "Trường đang là trường chất lượng cao nhưng đến khi
đánh giá thẩm định không phải chất lượng cao nữa thì xử lý chuyển tiếp thế nào?
Học phí đã thu trong thời gian trước đây (theo mức của trường chất lượng cao) sẽ
ra sao?".
Trước khi giải trình về những thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lý giải về việc tại sao lại có sự chuyển tiếp. Theo đó, Hà Nội hiện có 18 trường công lập chất lượng cao, trong đó 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao một phần. Đó là những trường mà ở một số lớp học còn chưa đáp ứng được các tiêu chí theo quy định về trường chất lượng cao, cần thêm thời gian để hoàn thiện.
Về cơ chế tài chính đối với học sinh trong giai đoạn chuyển tiếp, bà Ngọc nói: "Ngân sách chỉ hỗ trợ với những đầu học sinh chưa được chuyển từ chương trình học bình thường lên chương trình chất lượng cao để đảm bảo công bằng. Nơi nào đang chuyển tiếp thì chỉ chi cho đối tượng chuyển tiếp".
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh, bà Ngọc cho biết, TP sẽ không làm đại trà trong việc xây dựng trường chất lượng cao nên luôn kiểm định chặt chẽ, trong số các trường chất lượng cao thì chưa bao giờ có chuyện trở về trường bình thường.
"Hiện nay, số học sinh của các trường đã rất đông rồi, có nơi phải từ chối học sinh. Còn trường mới phấn đấu để thành chất lượng cao thì làm chặt ngay từ đầu khâu kiểm định. Cơ quan kiểm định hoàn toàn độc lập, thuộc UBND TP, có sự tham gia của Bộ GD-ĐT", bà Ngọc cho hay.
Không có tiền thì học ở đâu?
Câu trả lời của bà Ngọc về vấn đề chuyển tiếp dường như chỉ thỏa mãn với những trường hợp trường chuyển tiếp xong và học sinh tiếp tục có nguyện vọng học tại trường. Vì thế, ông Lê Văn Hoạt tiếp tục đặt lại câu hỏi như trên.
Phải đến lần hỏi thứ 3 ông Hoạt mới có được câu trả lời chính xác. Trong phần giải trình của mình, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: "Nguyên tắc đầu tiên khi học ở trường chất lượng cao là tự nguyện. Học sinh đi nơi khác hay không cũng là tự nguyện. Thành phố đảm bảo có đủ chỗ học cho đối tượng phổ cập rồi".
ĐB Đặng Đình An (Đống Đa) thì cho rằng, một trường có 2 chế độ thì không ổn. Ông An đề xuất thành phố nên tổ chức hẳn trường chuyên chất lượng cao, không có quá trình chuyển tiếp, còn trường đang học bình thường thì vẫn để nguyên.
"Nếu chuyển tiếp lên trường chất lượng cao từ một trường bình thường thì rõ ràng một trường có 2 chế độ, ảnh hưởng tâm lý học sinh rất nhiều. Thành phố nên làm rõ lộ trình này, tạo điều kiện để gia đình có tiền thì theo ngay từ đầu, còn gia đình không có tiền thì chấp nhận ở mức độ học bình thường", ông An nói.
Còn ĐB Lê Văn Thư (Từ Liêm) thì nhấn mạnh, chỉ phấn đấu có trường chất lượng cao nếu địa bàn đã có đủ trường công lập bình thường. Ngoài ra, ông lưu ý: "Chất lượng cao có nghĩa là sản phẩm giáo dục (học sinh) phải có chất lượng cao (về các mặt như học lực tốt, đạo đức tốt, sức khỏe tốt) chứ không phải trường chất lượng cao là chỉ thu học phí cao".
HĐND TP đã thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng cho trường công lập chất lượng cao với tỷ lệ ĐB tán thành là 84,2%.
Thông qua viện phí mới Cũng trong sáng nay, HĐND TP đã thông qua nghị quyết quy định điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc thành phố với tỷ lệ ĐB tán thành là 84,2%. Như vậy, viện phí tại Hà Nội sẽ được điều chỉnh từ 1/8 tới. |
Cẩm Quyên