- Tăng một bộ thôi, tinh giản biên chế thành vô nghĩa - nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
VietNamNet giới thiệu chia sẻ của ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Nội vụ, tại hội thảo lấy ý kiến về đề án tinh giản biên chế do Bộ tổ chức ngày 24/6.
Tôi đã tham gia thành viên Chính phủ trong một nhiệm kỳ có thể nói là quyết liệt về tổ chức bộ máy, trong 4 năm đưa được số bộ từ 26 xuống 22. Nhưng nhiệm kỳ đó chưa chú ý, cũng chưa có điều kiện làm tinh giản biên chế.
Về tinh giản biên chế, chính Thủ tướng cũng nói: "Tôi làm nhiều nhiệm kỳ rồi nhưng cứ nói giảm thì nó lại tăng".
Phát biểu bên ngoài thì người ta dùng "giảm biên chế", nhưng tại các diễn đàn thì nói "tinh giản biên chế", nghĩa là có giảm có tăng, người nào không đáp ứng yêu cầu thì giảm, nhưng khi cần tăng vẫn phải tăng.
Nhưng tổng cộng tăng giảm nhẽ ra giảm được thì tốt.
Nguyên BT Nội vụ Trần Văn Tuấn: Cứ nói giảm biên chế nhưng tôi thấy nhiều nơi đang muốn chuyển tổng cục thành bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ổn định bộ máy
Trước ta cứ nói giảm 30%, nhưng chuẩn giảm không có, chỉ là sốt ruột, thấy đông thì bảo giảm. Nhưng tại sao đông thì cũng không ai lý giải.
Bây giờ thuận lợi là có luật Công chức, quy định rõ về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Đây là việc phải làm bằng được và làm sớm, cơ bản đến 2015 các bộ, ngành, địa phương phải xong.
Chỗ nào cũng kêu khó, nhưng thử hỏi một ông thủ trưởng mà không nghĩ được bộ máy của mình cần bao nhiêu người, trình độ của từng người, thì làm thủ trưởng làm gì?
Nhiệm kỳ trước khi giảm số bộ, sắp xếp lại cũng căng lắm. Nhưng sang đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng cũng đồng ý giữ nguyên bộ máy, không tăng, không tách nhập, để tập trung tinh giản.
Nói như vậy nhưng thực hiện không dễ. Cứ nói giảm biên chế nhưng tôi thấy nhiều nơi đang muốn chuyển các tổng cục thành bộ. Mà các đồng chí ấy trình thì khéo lắm, không cẩn thận tăng một bộ thôi thì tinh giản biên chế thành vô nghĩa.
Nói ổn định không có nghĩa là không lập các cơ quan mới, nhưng phải rất thận trọng, thật cần mới làm.
Và phải ổn định cả bộ máy các tỉnh, thành phố. Bây giờ cứ cái đà các tỉnh đều "phấn đấu trở thành thành phố trực thuôc trung ương", nghĩa là tách phần nông thôn thành một tỉnh khác, là lại tăng tiền và bộ máy, trong khi kinh tế chưa chắc đã lên.
Thủ trưởng phải vất vả
Quy trình đánh giá cán bộ phải tính lại, cứ như hiện nay thì thủ trưởng nhàn lắm. Tổ chức một hội nghị, để anh em bỏ phiếu, ai cũng tốt cả, thủ trưởng cũng không thấy có trách nhiệm nhận xét, suy nghĩ xác đáng, có thể nghĩ khác nhưng phiếu bỏ thế rồi thì thôi.
Nhưng hậu quả là bình quân chủ nghĩa, anh làm tích cực không được khen, anh không làm được việc cũng không bị chê, vẫn cứ hai năm lên lương.
Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của ta thì không làm khác được, nhưng nên chăng phiếu của tập thể chỉ để tham khảo, thủ trưởng vẫn có thể quyết định khác, trả lời nếu cấp dưới thắc mắc và chịu trách nhiệm với cấp trên về đánh giá của mình.
Thủ trưởng sẽ vất vả, nhưng không thế thì không thể đối thoại với cấp dưới về năng lực của họ, không thể chỉ ra trong đơn vị mình bao nhiêu người xuất sắc, bao nhiêu trung bình, bao nhiêu không làm được việc.
Như vậy thủ trưởng phải được quyền đánh giá và có cơ chế bảo vệ họ. Nếu không, có khi chưa kịp đánh giá, phân tích, đã nhận được mấy đơn nặc danh nói xấu, cấp trên lại mất thời gian xác minh cái đơn đấy trước.
Nói phiếu chỉ để tham khảo không có nghĩa là thiếu tôn trọng tập thể. Nhưng thủ trưởng là người sát hơn, phải chịu trách nhiệm. Như thế việc mua phiếu cũng không dễ.
Chung Hoàng lược
ghi
* Tiêu đề phụ do tòa soạn đặt