Hoanh nghênh đề xuất hợp tác an ninh của TQ nhưng các nước láng giềng lo lắng khi Bắc Kinh tỏ ra quả quyết sử dụng quân đội và lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực hàng hải.

TQ "cao tay" thay đổi hiện trạng tranh chấp ở Hoa Đông

{keywords}
Ảnh: Reuters

Khi các lợi ích khu vực cũng như toàn cầu của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tăng cường sử dụng lực lượng vũ trang, cảnh sát và an ninh dân sự để bảo vệ các lợi ích đó.

Nhưng trong khi đề xuất hợp tác an ninh của Trung Quốc được hoan nghênh, thì sự quả quyết khi sử dụng quân đội và lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực hàng hải của họ lại tiếp tục gây ra nhiều lo lắng với nước láng giềng.

Khuyếch trương

Giữa tháng 6, tàu bệnh viện của hải quân Trung Quốc đã tham gia cuộc diễn tập cứu trợ thảm họa nhân đạo ở dưới sự bảo trợ của Hội nghị bộ quốc quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus). Cùng lúc đó, cảnh sát Trung Quốc đang nỗ lực làm việc với các cộng sự từ Thái Lan, Myanmar và Lào để trấn áp hoạt động tội phạm dọc sông Mekong.

Một sáng kiến chống tội phạm của Trung Quốc cũng bắt đầu vào cuối năm 2011 sau vụ 13 người Trung Quốc bị giết hại gần biên giới ven sông với Thái Lan. Bắc Kinh thuyết phục Thái Lan, Myanmar và Lào hợp tác thiết lập lực lượng cảnh sát tuần tra đường thủy dọc theo Mekong.

Tình hình an ninh trên sông Mekong đã cải thiện hẳn kể từ chuyến tuần tra phối hợp đầu tiên tháng 12/2012. Theo cảnh sát Trung Quốc, hoạt động gần đây nhất từ tháng 4-6 đã dẫn tới việc 2.500 tội phạm bị bắt giữ, gần 10 tấn thuốc phiện trị giá 400 triệu USD bị thu giữ cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã tạo dựng một ấn tượng tốt.

Việc Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập tại Brunei lại là một cột mốc khác trong chính sách ngoại giao quốc phòng ở Đông Nam Á.

Kể từ đầu năm 2000, Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ quân sự với các thành viên ASEAN với hai lý do chính. Đó là gia tăng ảnh hưởng khu vực thông qua đối thoại, tập trận và mua bán vũ khí. Bên cạnh đó là hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc, cung cấp cho quân đội Trung Quốc (PLA) cái nhìn sâu hơn về các khả năng quân sự, chiến thuật và trang bị của quân đội nước ngoài.

Trung Quốc hiện nay tiến hành đối thoại quốc phòng và an ninh hàng năm với Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Việc này tỏ ra hữu ích trong nỗ lực gia tăng lòng tin cũng như hợp tác quân sự song phương. Trong lúc đó, PLA còn thực hiện các cuộc tập trận quân sự với Thái Lan, Singapore và Indonesia như diễn tập đặc nhiệm, chống khủng bố và hải quân.

Tiêu thụ vũ khí của Trung Quốc ở khu vực cũng là nhân tố tích cực trong chính sách ngoại giao quốc phòng mà Bắc Kinh theo đuổi. Trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc là nhà cung cấp trang bị quân sự chính cho Myanmar. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, họ bán thiết bị quốc phòng sang Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Timor-Leste.

"Thâm hụt lòng tin"

Tuy nhiên, trong khi vai trò an ninh của Trung Quốc tại Đông Nam Á đang gia tăng, thì phần nào đó, trong một số trường hợp lại trở nên phản tác dụng với các lợi ích quốc gia của họ.

Dù nỗ lực thực thi mọi sáng kiến, nhưng như ở Biển Đông, các tàu chiến, tàu chính phủ Trung Quốc lại không bỏ lỡ cơ hội khẳng định yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Hành động này khiến các nước tuyên bố chủ quyền khác tại Đông Nam Á lo lắng và đề phòng.

Khi Trung Quốc lập luận rằng, tuần tra trên sông Mekong cần phối hợp với nhau - nghĩa là cho phép cảnh sát Trung Quốc tiến vào vùng sông nước của láng giềng - Thái Lan đã phản đối đề xuất.

Mặc dù các nước ASEAN hoan nghênh Trung Quốc muốn tham gia vào các cuộc đối thoại chiến lược cũng như diễn tập nhân đạo, thì chính sách ngoại giao quốc phòng của Bắc Kinh vẫn có ít nhiều giới hạn.

Các thiết bị quân sự mà Trung Quốc sản xuất có thể đủ tốt với những nước có ngân sách quốc phòng nhỏ - dĩ nhiên là ngoại trừ công nghệ tên lửa, còn lại nước này lại khá "nổi tiếng" về chất lượng sản phẩm nghèo nàn. Phần lớn các nước ASEAN thích mua trang thiết bị quân sự hiện đại hơn từ phương Tây hoặc Nga. Kể cả Myanmar cũng đã tính tới chọn lựa mua sắm thay thế.

Trong khi đó, Mỹ lại có lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sử dụng nền tảng công nghệ cao với một số nước, trong đó có Trung Quốc. Hơn thế nữa, rào cản ngôn ngữ và các vấn đề tương tác khiến cho hoạt động diễn tập của PLA tại Đông Nam Á bị hạn chế về quy mô và thời gian, thường tập trung nhiều vào giải quyết các mối đe dọa xuyên quốc gia không nhạy cảm hơn là trực tiếp huấn luyện chiến đấu.

Điều này trái ngược hẳn với Mỹ, với các hoạt động ngoại giao quân sự diễn ra khắp khu vực. Quân đội Mỹ thực hiện hàng trăm cuộc diễn tập đào tạo với quân đội các nước Đông Nam Á mỗi năm, từ quy mô nhỏ tới lớn có sự tham gia của hàng nghìn người. Trong thập niên qua, Trung Quốc có khoảng chục cuộc diễn tập trong khu vực. Năm 2012, hơn 200 tàu hải quân Mỹ tới Singapore trong khi chưa một tàu nào của PLA tới đảo quốc này.

Quan trọng nhất, đó là rào cản bất an với hành xử quả quyết của Bắc Kinh, nhất là ở Biển Đông. Nó tạo thành lực cản lớn trong việc thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và khu vực, nhất là trong vấn đề an ninh hàng hải khi Đông Nam Á không tin tưởng về những mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.

Niềm tin là điều kiện tiên quyết để hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa các nước. Mặc dù tích cực thực hiện chính sách ngoại giao quân sự, nhưng việc "thâm hụt lòng tin" giữa Trung Quốc và một số láng giềng Đông Nam Á ngày càng trở nên lớn hơn, tạo ra giới hạn cho Bắc Kinh trong hợp tác an ninh khu vực.

Thái An (theo worldpoliticsreview)