Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với VKSNDTC. Ảnh: VGP |
Theo ông Lê Hữu Thể, Phó Viện
trưởng VKSNDTC, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP), những năm qua ngành
Kiểm sát đã và đang xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hoạt động tư
pháp; xây dựng các đề án cải cách tư pháp của ngành; triển khai việc thành lập
Viện Kiểm sát 4 cấp theo kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị…
Tuy nhiên, trong 8 năm triển khai thực hiện nghị quyết 49/NQ-TW, ngành Kiểm sát
gặp một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế cần sớm được khắc phục.
Đó là, nghiên cứu thành lập Viện Kiểm sát theo khu vực; thực hiện chủ trương
“tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt
động điều tra”; thực hiện “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, coi đây
là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của
ngành Kiểm sát.
Tham gia góp ý với tại cuộc làm việc, một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ những
vấn đề lớn đang đặt ra với ngành Kiểm sát hiện nay như mối quan hệ giữa chế độ
thủ trưởng của ngành Kiểm sát và tính độc lập của Kiểm sát viên trong việc thực
hành quyền công tố và việc chỉ đạo của Viện trưởng đối với công tác kiểm tra
điều tra, truy tố và xét xử các vụ án và Kiểm sát viên như thế nào.
Đề cập đến một trong những nội dung lớn được quan tâm là nâng cao tranh tụng tại
Toà án, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn thẳng thắn, qua giám sát và thanh tra của
TANDTC, từ năm 2010 đến nay gần 50% số vụ án tham nhũng tại TP.HCM nổi lên vấn
đề là Viện kiểm sát đề nghị mức án cao đối với các bị can, bị cáo nhưng khi xét
xử Toà án tuyên phạt tù bị cáo thấp hơn nhiều so với mức án mà Viện Kiểm sát
cùng cấp đề nghị. Viện Kiểm sát cùng cấp lại không có kháng nghị đối với bản án
đó để được xét xử lại. Dư luận nhân dân đặt ra liệu có gì uẩn khúc hay có hiện
tượng gì đối với các vụ án này?
Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh đặt vấn đề, trong tiến trình CCTP
cân nhắc có nên mở rộng phạm vi cho Cơ quan điều tra của VKSNDTC được điều tra
độc lập với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng để bảo đảm tính khách quan, minh
bạch trong quá trình xử lý vụ án đó hay không. Mà không chỉ bó hẹp trong điều
tra các vi phạm trong hoạt động tố tụng như hiện nay.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ ngành Kiểm
sát cần nhìn nhận thẳng thắn các khó khăn, bất cập để như tình hình tội phạm
tăng lên như tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội tham nhũng, nhiều vấn đề
thực tiễn đang đặt ra nhưng lại chưa được thống nhất cao về nhận thức và hành
động của các cơ quan tố tụng, công tố vẫn chạy theo điều tra, chưa xây dựng được
vai trò quan trọng và độc lập của mình trong giám sát các hoạt động tư pháp,
chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên chưa cao, còn thụ động, lúng túng. Vẫn
còn tư tưởng áp đặt, cửa quyền trong các vụ án. Một bộ phận cán bộ ngành kiểm
sát chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực, phẩm chất, vẫn còn cán bộ kiểm sát
tiêu cực, tham nhũng, vi phạm hoạt động của ngành.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Kiểm sát xây dựng thật tốt nội dung chương, điều về
ngành Kiểm sát trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay. Chủ động xây dựng
các luật về tố tụng, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Theo VGP