- Trưởng Phòng Văn hóa thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh Trần Đức Quyết khẳng định từ đầu năm đã kiểm tra rốt ráo, yêu cầu tháo dỡ tất cả biển hiệu chỉ dùng tiếng Trung, tuy nhiên chưa xử phạt trường hợp nào.
'Không còn biển quảng cáo màu đỏ'
Trao đổi với VietNamNet sáng nay (22/7), ông Quyết cho hay việc treo biển quảng cáo sai quy định luật chỉ diễn ra ở mấy tháng đầu năm thôi.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa, thị xã Từ Sơn mới được thành lập với 12 xã, phường, trong đó Đồng Kỵ và Phù Khê nằm trong làng nghề truyền thống đồ gỗ từ nhiều năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu hiện nay là Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc sang đây làm ăn từ nhiều năm, họ liên doanh với người Việt thuê cửa hàng để giao dịch buôn bán, vì thế mới có hiện tượng biển quảng cáo có tiếng Trung. Có cả một số nhà hàng ăn uống, thậm chí có cả nhà nghỉ.
Biển chỉ dẫn hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc trên con phố Nguyễn Văn Cừ, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh do phóng viên VietNamNet chụp ngày 13/7/2013 |
Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay ở Đồng Kỵ có 3 nhà nghỉ của người Việt Nam dùng biển quảng cáo có tiếng Trung, ở Phù Khê có 7 cửa hàng vận tải do người Trung Quốc liên doanh với người Việt Nam và 6 nhà nghỉ kiêm dịch vụ ăn uống, ở Hương Mạc có 2 khách sạn cũng liên doanh phối hợp giữa người Việt Nam và người Trung Quốc chứ không phải của riêng người Trung Quốc đứng ra đầu tư.
Chúng tôi rất cám ơn báo VietNamNet đã có bài viết nhắc nhở chính quyền chúng tôi trong việc quản lý. Tuy nhiên, vi phạm không đến mức như chúng ta tưởng.
Chưa cần báo chí nhắc nhở thì từ đầu năm đến nay, Công an thị xã phối hợp với Phòng Văn hóa chúng tôi cũng đã có 3 đợt kiểm tra biển hiệu. Chúng tôi đã phát hiện hơn 30 biển có quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc, trong đó có 10 biển hiệu vi phạm luật Quảng cáo, tức là chỉ bằng tiếng Trung. Chúng tôi đã yêu cầu tháo dỡ, đến nay cơ bản đã dẹp hết rồi, chỉ còn 3-4 cái mới treo. Sáng nay cán bộ của phòng Văn hóa đã về kiểm tra, nếu phát hiện vẫn còn vi phạm sẽ yêu cầu tháo dỡ.
Còn lại đa số biển quảng cáo đều làm đúng quy định, tức là màu phải dùng màu xanh, không được dùng màu đỏ, chữ tiếng Việt ở trên, tiếng Trung ở dưới, kích cỡ không được lớn quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt. UBND các xã cũng cho biết họ có trách nhiệm quản lý thật tốt. Chúng tôi khẳng định là sự việc không có gì nghiêm trọng, không có gì đáng ngại cả. Trách nhiệm chính là UBND các xã, phường, ngành Văn hóa - Thông tin cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện đúng pháp luật.
Khó xử phạt
Đối với 10 biển hiệu vi phạm luật Quảng cáo mà đầu năm các ông phát hiện, các ông đã xử lý như thế nào?
Chúng tôi đã biên bản, yêu cầu tháo dỡ, đồng thời giao chính quyền địa phương hướng dẫn, nhắc nhở, tuyên truyền. Các cửa hàng, nhà nghỉ, quán ăn thay biển ngay, người kinh doanh chỉ muốn quảng cáo cho bắt mắt để thu hút khách Trung Quốc thôi. Sau đó nếu họ còn cố tình vi phạm thì chúng tôi mới phạt.
Nhưng chưa có trường hợp nào bị xử phạt như quy định của luật?
Xử phạt cũng khó lắm. Người Trung Quốc liên doanh có ở đây suốt đâu, họ ra vào thường xuyên, ngày đi buôn, tối về giao dịch, có khi vài ba tháng sau lại đi khỏi Từ Sơn rồi. Tình hình sẽ phức tạp nếu quản lý không tốt, nhưng thực tế ở Từ Sơn an ninh được đảm bảo rất tốt, chúng tôi thường xuyên thống kê tình hình tạm trú tạm vắng, người nước ngoài ra vào địa phương đều nắm chắc.
Tất nhiên làm ăn với Trung Quốc có nhiều vấn đề phức tạp. Cũng như với nông sản, mặt hàng gỗ, nhất là gỗ quý có nhiều bà con làm ăn vay vốn ngân hàng đi thu gom với giá đắt lúc người Trung Quốc mua nhiều, như gỗ trắc, gỗ sưa, có khi sang tận Lào, vào tận Thanh Hóa mua, sau người Trung Quốc không mua nữa thì bà con điêu đứng. Như vậy về mặt kinh tế thì phải rất tỉnh táo. Còn về an ninh, chúng tôi khẳng định tình hình không có gì đáng ngại.
H.Anh