- “Đã đến lúc Việt Nam - Hoa Kỳ cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước” - Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước.

Trả lời báo chí nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 24 đến 26/7, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường cho biết, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, “mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước”.

Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần thứ hai của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau gần 2 thập niên bình thường hóa quan hệ và là chuyến trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua.

Theo Đại sứ Cường, trong chuyến thăm, ngoài hội đàm với Tổng thống Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ làm việc với lãnh đạo Quốc hội, nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, gặp gỡ chính giới, nhiều doanh nghiệp và học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ. 

Xác lập khuôn khổ quan hệ mới

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, ông lạc quan về mối quan hệ hướng về phía trước giữa hai nước trong những năm tới.

Trong gần hai thập niên kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tạo dựng được nền móng khá vững chắc với những cơ chế hợp tác ổn định cho quan hệ song phương.

Nhìn về tương lai, Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới sâu rộng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến 2020. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhiều lần phát biểu coi Việt Nam là đối tác đang nổi quan trọng ở khu vực. Cả hai bên cùng chia sẻ những lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy thịnh vượng ở châu Á - TBD và trên thế giới.

{keywords}
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường

Ngoài ra, hai nước đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với 10 quốc gia khác. Nếu có thể ký kết vào cuối năm nay như cam kết của các nhà lãnh đạo, TPP sẽ mở ra một cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân và chiếm tới khoảng 40% thương mại cũng như GDP toàn cầu.

Gần một thập niên đã trôi qua kể từ khi hai nước xây dựng khuôn khổ quan hệ “đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi” vào năm 2005. Với tầm mức của quan hệ hai nước hiện nay, với những tiềm năng đáng kể đang hứa hẹn phía trước, đã đến lúc hai nước cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước” - ông nhận định.

Ông kỳ vọng cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ xác định được khuôn khổ quan hệ mới đó, cùng với những nguyên tắc và nội hàm rõ ràng.

Những vấn đề khác biệt

Đề cập về những khác biệt của hai nước liên quan vấn đề dân chủ nhân quyền, Đại sứ Cường cho rằng, những khác biệt là thực tế. Vấn đề quan trọng là hai bên sẵn sàng trao đổi thẳng thắn để tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt.

“Được biết, Chủ tịch nước có mời một số vị chức sắc tôn giáo ở Việt Nam cùng tham gia đoàn, và các vị chức sắc tôn giáo đó sẽ có cuộc trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở với nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề này, kể cả những tổ chức xưa nay vẫn có cái nhìn thiên lệch về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam” - ông cho hay.

Đại sứ đồng thời nhấn mạnh, chỉ có hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau mới là sự lựa chọn đúng đắn để đưa quan hệ hướng tới tương lai.

Ông cũng đề cập hợp tác giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại. Tính đến tháng 5/2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực hiện thành công 109 đợt hoạt động hỗn hợp, hơn 125 đợt trao trả hài cốt, nhờ đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được 693 trên tổng số 1983 trường hợp bị mất tích.

Phía Hoa Kỳ cũng đã giúp thu thập, chia sẻ thông tin với Việt Nam về khoảng 1000 trường hợp bộ đội Việt Nam bị mất tích, trao trả các kỷ vật.

“Chúng ta ghi nhận sự hợp tác, hỗ trợ ngày một tăng của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân của Hoa Kỳ liên quan đến việc giải quyết hậu quả chất độc da cam  dioxin, như dự án “Tẩy độc môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” và  các trợ giúp y tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin… đồng thời chúng ta cũng đề nghị phía Hoa Kỳ làm nhiều hơn nữa liên quan đến những vấn đề nhân đạo này”.

Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng từ 200 triệu USD năm 1995 lên hơn 20 tỷ USD năm 2012, mức tăng hơn 100 lần trong vòng chưa đầy 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 25 tỷ USD. FDI của Mỹ vào Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 629 dự án, trên 11 tỷ USD.

Trong 10 năm qua, có khoảng trên 60.000 lưu học sinh sang học ở Hoa Kỳ từ phổ thông, cao đẳng trở lên. Việt Nam đứng đầu trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số các nước có sinh viên du học tại Hoa Kỳ.

P.V