Tổng thống Pháp, do rất cần tới một cú hích chính trị, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới họp khẩn cấp tại Paris để tán thành hành động quân sự chống lại lãnh đạo Libya Moammar.


Tác giả Kim Willsher của Los Angeles Times phân tích về vai trò của Pháp trong chiến dịch quân sự chống lại Libya.

Khi quan chức Mỹ, châu Âu và Ảrập gặp nhau tại Paris để bàn cách phối hợp chiến lược quân sự, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nói với báo chí rằng, Gaddafi đã “hoàn toàn phớt lờ cảnh báo dừng cuộc chiến chống lại quân nổi dậy. Ở Libya, người dân yêu chuộng hòa bình không yêu cầu nào khác ngoài quyền tự chọn lựa vận mệnh của mình đang gặp nguy hiểm”, Sarkozy nói. “Và bổn phận của chúng ta là đáp lại lời khẩn khoản khốn khổ của họ”. Một giờ sau phát biểu của ông, các máy bay Pháp đã báo cáo khai hỏa nhằm vào bốn xe quân sự của Libya.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại điện Elysee ở Paris trước hội nghị quốc tế về Libya diễn ra hôm thứ Bảy Ảnh: Reuters

Khi tỉ lệ tán thành xuống mức thấp kỷ lục và khi phải đối mặt với cuộc bầu cử năm tới, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy rất cần tới một cú hích lớn để thúc đẩy vị thế chính trị của mình.

Và hôm qua, thứ Bảy, ông đã có nó.

Lãnh đạo Pháp, từng được báo chí mệnh danh là “Siêu Sarko” vì sự háo hức tham gia xử lý các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đã mời được các nhà lãnh đạo từ bốn châu lục tới cuộc họp khẩn cấp tại điện Elysee ở Paris để thông qua hành động quân sự chống lại lãnh đạo Libya Moammar Kadafi.

20 vị khách mời tham dự cuộc họp hoàn toàn nhất trí khi ông Sarkozy thông báo rằng, các máy bay Pháp đã sẵn sàng cho cuộc không kích vào Libya. Với cách tuyên bố trang trọng, Sarkozy nói rằng, Pháp đã “quyết định đảm đương vai trò của mình, vai trò trước lịch sử” để ngăn chặn Kadafi giết hại dân thường, những người bị cho là phạm tội khi tìm kiếm “sự tự do cho chính mình”.

Hơn ba năm trước đây, Sarkozy đã trải thảm đỏ tiếp đón Kadafi tại Paris, hoan nghênh ông với cánh tay rộng mở và thậm chí cho phép nhà lãnh đạo Libya dựng chiếc lều gần Elysee. Giờ đây, Tổng thống Pháp tuyên bố, ông đang điều máy bay chiến đấu ném bom chống lại Kadafi.

Bên cạnh Sarkozy là Thủ tướng Anh David Cameron, một đối tác của Pháp trong chiến dịch quân sự, với các tuyên bố cứng rắn hơn.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì từ chối ủng hộ không kích hay vùng cấm bay và khẳng định đất nước của bà sẽ không tham gia vào bất cứ hoạt động quân sự nào.

Sau đó là tới Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton. Các nhà lãnh đạo châu Âu và giới ngoại giao vẫn không rõ vì sao Mỹ dường như không sẵn sàng nắm giữ một vai trò cao hơn; trong khi ngồi cạnh Thủ tướng Pháp Francois Fillon và đối diện với Cameron tại cuộc họp, bà Clinton dường như không thích đẩy mình lên phía trước.

Một tuần trước đó, báo chí Pháp đưa tin rằng, khi ông Sarkozy yêu cầu bà Clinton mạnh mẽ ơn trong hành động với Libya, bà trả lời: “Có những khó khăn” và từ chối đi vào chi tiết. "Thực sự là, chúng tôi hoàn toàn lúng túng”, một nhà ngoại giao Pháp nói với các cộng sự châu Âu. “Chúng ta có nên tự hỏi rằng, liệu Libya là một ưu tiên với Mỹ?”.

Trên thực tế, chính quyền Obama miễn cưỡng dính líu, vì e rằng nó sẽ mở ra một sứ mệnh quân sự khác. Hơn nữa, họ cũng lo rằng (như Clinton nói hôm thứ Bảy), Kadafi nếu giữ vững quyền lực, có thể quay lại ủng hộ chủ nghĩa khủng bố hay thậm chí cố gắng tái khởi động chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vì vậy, Mỹ đã tuyên bố “sứ mệnh có thời hạn” và rằng các chính phủ châu Âu hay Ảrập có thể dẫn đầu.

Dĩ nhiên, bản thân người Pháp đã bị chỉ trích vì phản ứng yên lặng trước làn sóng nổi dậy ở thế giới Ảrập, đặc biệt là ở Tunisia. Lỡ “cuộc chơi” ở Tunisia, chậm chân ở Ai Cập, Sarkozy quả quyết sẽ không để bị gạt sang lề về Libya.

Trong ít nhất hai tuần, ông bắt đầu khơi mào ý tưởng hành động quân sự chống lại Kadafi và đã có Anh làm đồng minh, sau khi thể hiện cho Merkel và các nhà lãnh đạo khác của châu Âu về quan điểm của Pháp.

10 ngày trước, lãnh đạo và các vị ngoại trưởng châu Âu được cho là khá tức giận sau khi Sarkozy tuyên bố Pháp công nhận phe đối lập Libya. Đây là quốc gia đầu tiên làm như vậy, chỉ vẻn vẹn 24h trước một hội nghị thượng đỉnh thảo luận về cuộc khủng hoảng này.

Tuần trước, có thông tin cho hay, ông Sarkozy đã chuẩn bị hành động đơn phương với Libya dù có hay không nghị q uyết của LHQ. Nhưng dường như ông đã suy nghĩ kỹ càng hơn.

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Paris hôm qua, Thủ tướng Bỉ Yves Leterme, nói với các phóng viên rằng, Pháp “đang hướng tới” hành động quân sự. Với Pháp, Libya khá quan trọng, một phần là vì có chung biên giới với bốn quốc gia chiến lược với Pháp: Tunisia, Algeria, Chad và Nigeria. Pháp cũng nhập khẩu dầu từ Libya, và tập đoàn dầu khổng lồ của Pháp, Total, kiểm soát một mỏ dầu quan trọng tại nước này.

Với Sarkozy, Libya còn là điều gì khác: đó là cơ hội.

Ông sẽ tái tranh cử vào năm 2012 và người Pháp không mong đợi gì hơn ngoài một vị tổng thống sẽ đưa đất nước lên vũ đài thế giới. "Nếu mọi việc suôn sẻ”, một nhà ngoại giao nói với báo Le Parisien "nó sẽ là một thắng lợi to lớn và rằng ông là người không thể thiếu trong một cuộc khủng hoảng”.

  • Thụy Phương (Theo Latimes)