- Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ "khoe" với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Đà Nẵng đã nhận diện được 30% công chức không làm được việc.

Nhân hội nghị trực tuyến của Chính phủ về cải cách hành chính sáng nay (26/7), ông Đặng Công Ngữ xin Trung ương "tha thứ và thông cảm" vì dù thực hiện đầy đủ các chương trình mà Chính phủ yêu cầu, nhưng Đà Nẵng có cách làm riêng.

Ví dụ thành phố có các bộ chỉ số riêng để đánh giá chất lượng nền hành chính, "chứ không chung chung"; sau khi phổ cập 100% "một cửa liên thông" ở tất cả phường, xã, quận, huyện, Đà Nẵng xin phép triển khai "một cửa điện tử" cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước.

"Chúng tôi cũng đánh giá công chức theo mô hình mới, lấy kết quả làm thước đo, đã nhận diện được 30% công chức không làm được việc, chỉ ra đó là những ai", ông Ngữ tự tin nói. "Do đó chúng tôi có cơ hội để xây dựng vị trí việc làm tốt hơn vì tất cả công chức đều ghi chép nhật ký làm việc, thống kê công việc hàng tháng, biết ai không làm việc hết thời gian..."

Việc này hơi ngược với hướng dẫn của Bộ Nội vụ nhưng là nền tảng tốt để xác định vị trí việc làm, ông Ngữ chia sẻ.

Rất ấn tượng với thông tin này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi có bộ, ngành, địa phương nào khác đã làm được việc xác định số công chức "có cũng được, không có cũng không sao" chưa.

Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, cách làm của Đà Nẵng không trái với hướng dẫn của Chính phủ.

{keywords}

Tại hội nghị, nhiều địa phương phản ánh lúng túng trong xác định vị trí việc làm. Ảnh: Báo ĐT Chính phủ

Vị trí việc làm: Địa phương đang lúng túng

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng kiến nghị "việc xác định vị trí việc làm đang khó ở chỗ thiếu chức danh, tiêu chuẩn, cũng như hình mẫu để xây dựng khung năng lực". Mặt khác là chính sách đầu ra đồng bộ hậu xác định vị trí việc làm, "không nên làm ra để đó thì khó xử, gây tâm lý, tâm trạng trong các cơ quan".

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cũng băn khoăn tương tự. Ông cho biết: Khó do chưa có tiền lệ, mô hình chuẩn mang tính phổ biến để tham khảo; khó thống kê công việc của cán bộ vì chưa có cơ quan nào lập nhật ký công tác; phân cấp giữa trung ương và địa phương sẽ còn thay đổi, văn bản pháp luật chưa ổn định, thiếu thống nhất...

"Biên chế theo cách cũ đã tồn tại lâu, nhiều vị trí đã được phân công ổn định có thể không còn thích hợp với biên chế mới, nên gặp nhiều sức cản từ những người tư duy theo lối cũ, không muốn đổi mới...", ông Sáng nói.

Tỉnh Kiên Giang cũng đang lúng túng trong mô tả khung năng lực để xác định vị trí việc làm. "Sau khi xác định vị trí việc làm hầu hết đều tăng về số lượng, liệu có thoát được cơ chế xin - cho biên chế?", đại diện tỉnh này cho biết.

Bên cạnh đó là vấn đề đầu ra: Với phần lớn cán bộ không làm được việc, không thể giải quyết được vì họ không sai phạm gì, cấp trên cũng không có quyền đánh giá... Kiên Giang kiến nghị giải pháp đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chọn lựa và đánh giá cán bộ.

{keywords}

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Số tuyển bổ sung bằng một nửa số bị tinh giản. Ảnh: Báo ĐT Chính phủ

Tuyển vào một nửa số đưa ra

Trước băn khoăn của các tỉnh, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh là cần thiết nhưng các địa phương không nên chờ sửa đổi.

"Chờ đợi thì không còn cải cách nữa, cứ lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý, cái gì phù hợp thực tiễn thì làm", ông Tuấn nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thúc giục xác định vị trí việc làm để tinh giản biên chế: "Không đơn thuần giảm số lượng, mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đưa ra khỏi hệ thống người không đủ sức khỏe, năng lực và phẩm chất".

Tinh giản biên chế sắp tới sẽ theo hướng số lượng tuyển dụng bổ sung chỉ bằng 1/2 số lượng bị tinh giản. "Số biên chế tiết kiệm được sẽ cấp cho các tổ chức mới thành lập, hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ mới".

Bên cạnh đó sẽ thí điểm chế độ công chức hợp đồng để tăng tính năng động, linh hoạt của nền công vụ, giải quyết khó khăn về nhân lực cho những nhiệm vụ đột xuất, thời vụ mà không gia tăng gánh nặng cho biên chế, Phó Thủ tướng khẳng định.

Chung Hoàng