Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, ngày 26/7 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington.

Tại CSIS, Chủ tịch nước tuyên bố: "Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường 9 đoạn của Trung Quốc”.

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ. Ảnh: VOV

“Lập trường Việt Nam trước sau như một là không ủng hộ “đường lưỡi bò”, phản đối “đường lưỡi bò”. Bởi “đường lưỡi bò” được xác lập không có cơ sở, không có căn cứ của bất cứ loại luật pháp quốc tế nào”, Chủ tịch nước nói.

Ông cho rằng, trong bối cảnh ngày nay, khi châu Á - Thái Bình Dương đang đem lại cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới thì “sự phát triển của khu vực gắn liền với phần còn lại của thế giới. Do đó, việc các nước lớn đặt châu Á - Thái Bình Dương ở vị trí ưu tiên trong chính sách của mình là điều tất yếu”.

Chủ tịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong vai trò trung tâm khu vực: Ông nói: “Để bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển, ASEAN sẽ tăng cường hoạt động của cơ chế, diễn đàn, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các công cụ, chuẩn mực, quy tắc. Trong vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ASEAN kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ DOC, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đạt được nhất trí về khởi động tham vấn chính thức nhằm hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là dấu hiệu tích cực ban đầu và cần tiếp tục được thúc đẩy”.

Chủ tịch nước thông báo với các học giả và quan khách tham dự rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị - đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.

Ông đã hoan nghênh cam kết của Tổng thống Obama tiếp tục chính sách tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực; coi ASEAN là trụ cột chính trong chính sách này, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trước câu hỏi của học giả về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc  tại Tòa Trọng tài LHQ xung quanh vấn đề tranh chấp hàng hải, Chủ tịch nước nói một cách ngắn gọn: "Là thành viên của Liên hiệp quốc, Philippines có quyền thực hiện các việc tố tụng của mình".

Trong bài phát biểu của mình, ngoài việc nói về vai trò của châu Á với nền kinh tế toàn cầu, Chủ tịch nước cũng đã tóm lược chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.

Thái An tổng hợp