- Khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ trên truyền hình quốc gia 'tâm trạng khó tả' của mình mỗi lần tăng giá điện, độc giả VietNamNet cũng chia sẻ những tâm sự 'khó tả' không kém.

Dân đâu chỉ treo một cái bóng đèn

Độc giả Trang Nguyên (nguyentrang@...) cảm ơn Bộ trưởng đã thương dân, song "thương dân kiểu này thì nguy hiểm lắm, vì sự thương này thể hiện Bộ trưởng chẳng hiểu dân".

"Vì dân, dù nghèo, cũng đâu chỉ treo một cái bóng đèn, họ còn phải ăn uống, đi lại, con cái học hành, chữa bệnh... Trong khi vì tăng giá điện mà mọi thứ đều phải tăng theo", độc giả này viết.

Dân đã vậy, các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, theo độc giả Thao (Ngoquangthao47@...) phản ánh, cũng thấy "tâm trạng khó tả".

{keywords}
Vì tăng giá điện mà mọi thứ đều phải tăng theo. Ảnh: VietNamNet

Độc giả Năm An Nhứt (dvngoc98@...) thẳng thắn: "Tâm trạng khó tả của Bộ trưởng Công thương không hiểu có hơn tâm trạng 'khó thở' của các doanh nghiệp sản xuất, người lao động thu nhập thấp khi mà vừa 'sốc' với giá xăng dầu tăng lại gánh tiếp giá điện, gas và các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng theo!".

"Người dân có thể bớt ăn, bớt xài để gói gọn theo lương nhưng không thể đi bộ, nhà ở tối tăm, nực nội do không dùng đến xăng dầu và điện!", độc giả Năm An Nhứt viết.

Chính vì vậy, độc giả Hoàng Tuyên (hoangtuyen20002002@...) cảm thán: "Thời buổi điện tăng, xăng tăng, gas tăng, cái gì cũng tăng, trừ lương!".

Độc giả DTL (catbuivtu@...) đặt câu hỏi: "Giá tăng thì chi phí cho nhu cầu thiết yếu của người dân, của cán bộ công chức cũng tăng, trong khi thu nhập cứ ì ạch, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vậy sao không gấp rút điều chỉnh thu nhập của họ cho tương xứng với mức tăng giá kia?".

"Điện, xăng khó khăn, cần xã hội và người dân chia sẻ. Vậy đời sống người dân thời điểm này cực kỳ khó khăn, xin hỏi Bộ trưởng ai sẽ chia sẻ với người dân?", độc giả Nguyễn Văn Huy (Huy@...) viết.

Ngành điện có thật lỗ?

Độc giả Thanh Bình (Binhtt@...) thấy những lý do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra để giải thích cho khó khăn của ngành điện là chưa thỏa đáng.

"Nếu giải thích như Bộ trưởng thì những nhà sản xuất điện phải khó khăn và giá bán của họ phải tăng chứ! Đằng này, EVN mua điện của họ với giá 700đồng/KW, bán với giá trên 1400đồng/KW?", độc giả này viết.

Độc giả Thanh Bình cũng không khỏi băn khoăn phải chăng ngành điện đang cố gắng lấy tiền tăng giá bán để bù đắp cho những khoản lỗ khi đầu tư ngoài ngành.

Độc giả Quang Anh (qanh@...) thì thấy khó hiểu khi "Bộ trưởng cho rằng làm điện đang lỗ, vậy tại sao lại có nhà nhà làm điện, người người làm điện đến nỗi các địa phương phải giật mình, đình chỉ dự án có thể gây hại cho đời sống và sản xuất của dân trong vùng, khi dân làm căng?"

Người dân cũng không ngần ngại gọi tên kiểu độc quyền "vừa bán vừa la cũng đắt hàng" của ngành điện. Độc giả Tuyên Phạm (nhacxanh98@...) viết: "Vì sao điện chỉ có tăng giá mà không có giảm? Bây giờ suy thoái, hàng gì cũng ế ẩm, chỉ có điện, xăng, gas... vẫn đắt như tôm tươi, tăng giá mấy cũng phải mua".

Độc giả Tuyên Phạm hỏi "tổng thu nhập của ngành điện là bao nhiêu", trong khi độc giả Andy (vuquoctrung_hn@...) muốn biết "lương của ngành điện có tăng theo giá điện".

Chính vì vậy, độc giả Bùi Hoa Nam (buihoanam@...) đề nghị Bộ trưởng Công thương đi thực tế, khảo sát một cách căn cơ cách làm ăn của ngành điện, xem có thực sự lỗ không, hoặc lỗ là do khâu nào, có phải do quản lý tồi...

Độc giả Le Duy (khanleduy@...) cho rằng: "Thay vì tăng giá điện để người dân lao động nghèo, người có thu nhập thấp càng thêm khó khăn hơn với cuộc sống hiện tại, ngành điện nên nghĩ cách quản lý tốt hơn, hạn chế những lãng phí, thất thoát trong ngành".

Sau đó là "trung thực thông cáo cho dân biết lý do tăng giá điện", độc giả Nguyễn Thanh Đức(thanhduc@...) nhấn mạnh.

Độc giả Cu Tèo (cuteo@...) khẳng định: "Dân ta sẵn lòng chia lửa với quốc gia để phát triển, khó khăn mãi rồi giờ khó chút nữa cũng không sao. Nhưng dân cũng đòi hỏi những nhà quản lý phải trung thực, minh bạch".

"Chỉ cần làm được như thế, thì dẫu có lỗ thật và tăng giá dân vẫn vui lòng", độc giả Bùi Hoa Nam viết.

Độc giả Lam Minh Nhut (mnhut73@...) thì 'hiến kế': Cứ chia nhỏ EVN thành nhiều công ty cổ phần hoạt động độc lập đi, hệ thống truyền tải quốc gia vẫn do nhà nước quản lý bằng nguồn ngân sách, các công ty cổ phần sẽ lo việc sản xuất và kinh doanh điện, cạnh tranh công bằng. Như vậy các công ty sẽ tự nghiên cứu cách nào để giảm chi phí, giá thành, tăng chất lượng để giành thị trường giống như viễn thông hiện nay.

"Về mặt kỹ thuật, viễn thông còn khó gấp trăm lần điện lực mà còn làm được thì điện lực tại sao không? Như vậy nếu điện tăng giá, Bộ Công thương, Tài chính không cần phải bận tâm và cũng không ai trách các bộ cả vì đã có thị trường điều tiết rồi", độc giả lập luận.

Chung Hoàng