- Airbus, tàu điện ngầm, rượu vang nằm trong những thương hiệu “made in France”
được Ngoại trưởng Pháp kỳ vọng sẽ hiện diện ở Việt Nam sau cú hích nâng cấp quan
hệ lên đối tác chiến lược.
>> 'Tour' du lịch Hà Nội của Ngoại trưởng Pháp
Trao đổi với báo giới chiều 5/8, ông cho hay, hai bên sẽ chính thức nâng cấp
quan hệ lên đối tác chiến lược trong chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng - mối quan hệ được nâng cấp dựa trên “lợi ích và mong muốn của
cả hai bên”, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, triển vọng hợp tác lâu dài của mối
quan hệ Pháp - Việt.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius. Ảnh: HG |
Nhấn mạnh nền tảng “quan hệ chính trị tốt đẹp”, Ngoại trưởng Pháp cho hay khuôn
khổ đối tác chiến lược là nền tảng thuận lợi cho Việt Nam khi tăng cường quan hệ
với Pháp - một cửa ngõ vào châu Âu, cơ sở hợp tác với châu Phi, Trung Đông, một
cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới và là một trong 5 nước chủ chốt của Hội đồng
Bảo an LHQ.
Phía Pháp coi trọng hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó quan
tâm ASEAN như một khu vực phát triển năng động trong thế kỷ 21. Ông cho rằng,
Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong khu vực này với dân số trẻ, cần cù, lạc
quan, thân thiện quan hệ với Pháp. Hà Nội chia sẻ quan điểm tương đồng với Paris
trong mục tiêu duy trì hòa bình ổn định cho khu vực và thế giới, phát triển thế
giới đa cực.
Nhấn mạnh cần phát triển hơn nữa mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước,
Ngoại trưởng cho hay, Tổng thống Pháp chờ đợi thăm chính thức Việt Nam trong
tương lai như hoạt động trao đổi thăm viếng cấp cao củng cố quan hệ.
Đề cập nội hàm quan hệ đối tác chiến lược, ông Fabius nói Pháp chú trọng phát
triển cân bằng quan hệ kinh tế với Việt Nam.
“Giao thương giữa hai nước đã có từ nhiều năm qua. Nhiều nhà đầu tư Pháp đã đầu
tư vào Việt Nam. ODA của Pháp dành cho Việt Nam đứng ở mức cao trong 20 năm qua,
đứng thứ hai trong EU cung cấp vốn viện trợ cho Việt Nam. Đã có những dự án hợp
tác về hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế… Nhưng phải nói rằng quan hệ kinh tế chưa
thực sự phát triển như mong muốn, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp
vốn có. Ở đó, cán cân lệch về phía Pháp còn lớn” - ông diễn giải.
Theo Ngoại trưởng Pháp, trong nội hàm hợp tác chiến lược về kinh tế, Pháp có
những tham vọng hợp tác lâu dài với Việt Nam. Một loạt dự án hợp tác kinh tế cụ
thể tầm chiến lược đang chờ Việt Nam “gật đầu” như những dự án hợp tác về tàu
điện ngầm, xây dựng cơ sở hạ tầng, dầu khí, năng lượng, hàng không… mà ông khẳng
định doanh nghiệp Pháp có chất lượng cạnh tranh và trình độ cao nhất thế giới
sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, điều cốt lõi là tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa
hai nước. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh đến những thương hiệu đẳng cấp “made in
France’ sẵn sàng vào thị trường Việt Nam sâu hơn như Airbus, rượu vang Bordeaux…
Nếu như Airbus đã quen thuộc khi cả hàng không quốc gia Việt Nam cũng như những
hãng hàng không tư nhân nhỏ đều có đơn đặt hàng, thì rượu vang ngon, chất lượng
chưa đến được đông đảo người Việt Nam vì thuế suất còn cao.
“Chúng tôi hy vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp cân bằng quan hệ
kinh tế, thương mại. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp gấp 4
lần của Pháp xuất sang Việt Nam. Sẽ thật khó hiểu nếu mối quan hệ chính trị,
ngoại giao, văn hóa, giáo dục tốt mà quan hệ kinh tế chưa tốt. Cần phát triển
quan hệ trên tất cả lĩnh vực” - Ngoại trưởng Pháp chia sẻ với báo giới.
Linh Thư